Giải ngân vốn đầu tư công: Giải phóng mặt bằng cần đi trước

Trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu trong xã hội giảm mạnh do đại dịch Covid-19, việc nhanh đưa nguồn vốn đầu tư công (ĐTC) vào sử dụng có ý nghĩa kép, tức là vừa kích thích chi tiêu trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ lâu dài cho nền kinh tế.

Thế nhưng tiến độ giải ngân, phân bổ nguồn vốn này vẫn trì trệ, gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Vậy đâu là giải pháp đột phá để khơi thông dòng vốn quan trọng này?

Dự án nhanh hay chậm, cốt ở công tác giải phóng mặt bằng

Nguồn ngân sách eo hẹp, muốn có vốn cho một dự án phải huy động từ nhiều nguồn và hy sinh cơ hội của những dự án khác, nhưng hiện nay ĐTC lại luôn tồn tại một nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm triển khai, phân bổ, kéo theo chậm giải ngân. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 5 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Đề cập tới nguyên nhân dẫn tới việc trì trệ giải ngân nguồn vốn quan trọng này, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do tác động về giá nguyên liệu, vật liệu, nhân công... nhưng nguyên nhân chính là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu chưa cao, tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, đặc biệt từ khâu chuẩn bị đầu tư.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư mới bắt đầu chuẩn bị thực hiện nên mất thời gian. Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự án ĐTC nhanh hay chậm, cốt ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tháo gỡ được công tác GPMB thì sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn 

Ngoài những vấn đề nêu trên, làm rõ nguyên nhân việc chậm giải ngân vốn ĐTC, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có nhóm nguyên nhân về pháp luật. Việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến ĐTC gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ, khiến việc triển khai thực hiện các quy định còn lúng túng.

Cụ thể, việc thực hiện ĐTC không chỉ liên quan đến Luật ĐTC, mà còn liên quan đến rất nhiều luật, tùy tính chất của từng dự án, như: Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, các luật thuế, Luật Điều ước quốc tế và các cam kết khác của Chính phủ. "Các khâu trong quy trình giải ngân vốn ĐTC lại không thể thực hiện đồng thời được mà theo từng quy trình và xong khâu này mới đến khâu kia nên mất rất nhiều thời gian", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Nên tách bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công?

Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC được nhấn mạnh đó là cần có sự vào cuộc nghiêm túc hơn từ các bộ, ngành, địa phương, mà trách nhiệm trước tiên thuộc về những người đứng đầu. Ngoài ra, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước), để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ĐTC, Chính phủ đã đề cập tới giải pháp điều chuyển vốn ĐTC năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị có thể triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, cần xem xét sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước. Bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không thể điều chuyển vốn từ địa phương này cho địa phương khác. Điều này dẫn đến thực trạng các địa phương đủng đỉnh trong giải ngân vốn ĐTC.

Nhằm gỡ nút thắt liên quan tới GPMB, việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án ĐTC là yêu cầu bức thiết, được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án ĐTC. Hiện nay, việc GPMB chỉ được triển khai khi dự án đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch.

“GPMB cần phải chuẩn bị trước. Việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án ĐTC không chỉ thực hiện với các dự án nhóm A, dự án đặc biệt hay những tỉnh có cơ chế đặc thù mà nên làm phổ biến”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ĐTC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải pháp căn cơ lâu dài là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Không chỉ giải quyết bằng Luật ĐTC mà còn phải giải quyết thông qua việc sửa đổi các luật khác thuộc các ngành, lĩnh vực liên quan. Liên quan đến vấn đề GPMB, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề án tách GPMB thành dự án riêng.

VŨ DUNG

Tags: qdnd