Đông Anh đẩy nhanh đô thị hóa nông thôn
Sau khi được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, huyện Đông Anh tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị và thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận. Đến nay, huyện Đông Anh mang trong mình diện mạo khang trang, hiện đại. Huyện đang được xem xét để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Nông thôn tiệm cận đô thị
Song hành thực hiện 2 nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện thành quận đến năm 2025, huyện Đông Anh đã xây dựng và triển khai nhiều đề án thành phần. Trong đó, đề án sáng - xanh - sạch - đẹp đã thu được nhiều kết quả, tạo chuyển biến lớn về diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Đến nay, tỷ lệ chiếu sáng đô thị của huyện đạt hơn 95%, chiếu sáng nông thôn đạt 100% và huyện đã hoàn thành tiêu chí chiếu sáng trong bộ tiêu chí đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận.
Bên cạnh đó, toàn huyện đã triển khai tổng số 155 dự án trồng cây xanh và dự án thành phần có yếu tố cây xanh. Theo đó, tổng số cây trồng trên địa bàn huyện là 110.231 cây, đạt tỷ lệ 10,1m2 cây xanh/người. Đông Anh đã phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua; trong đó có phong trào “Tuyến đường nở hoa”, “Cổng nhà có hoa”, “Tường nhà có hoa”, “Điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường”. Những tuyến đường do các đoàn thể nhận đảm nhiệm đã duy trì và phát huy được đoạn đường nở hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp; các điểm sinh hoạt cộng đồng được chăm sóc trồng hoa, cây cảnh... Còn về ao hồ, trên địa bàn huyện có 393 ao hồ, trong đó, 163 ao hồ cần được cải tạo, kè, tách nước thải. Huyện đã thực hiện xong nạo vét, kè ao, tách nước thải và trồng cây xanh đối với 92 ao hồ; đang thi công 71 ao hồ. Từ việc cải tạo các ao hồ đã tạo thêm điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan môi trường được cải thiện, ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Về tổng quan, những năm qua, huyện Đông Anh đã không ngừng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến hết năm 2023 đạt khoảng 15.883 tỷ đồng.
Huyện đã xây dựng, cải tạo gần 800km đường trục xã, thôn, ngõ xóm và đường trục nội đồng; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn; xây mới 8 trung tâm văn hóa xã. Đông Anh cũng đã hỗ trợ cải tạo, xây dựng hơn 1.000 nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo…, với tổng kinh phí 53,4 tỷ đồng… Từ năm 2020, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo.
Nhờ đó, đến nay, huyện Đông Anh có 20/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt và cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và đang được Trung ương xem xét hồ sơ công nhận. Đông Anh cũng đang tăng tốc hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ để sớm về đích trong thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận.
Kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng, Đông Anh có lợi thế là địa bàn nằm tiếp giáp với các quận của khu vực nội thành Thủ đô, có tốc độ đô thị hóa cao, nên rất thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng hóa, giải quyết việc làm, phát triển ngành nghề. Mặt khác, sự bứt phá về hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có những tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn, như: Đường Võ Nguyên Giáp, đường Trường Sa, đường Hoàng Sa, đường 5 kéo dài, quốc lộ 3 mới... là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Cùng với đó, huyện đã chủ động nghiên cứu, kịp thời xây dựng các chương trình phát triển với lộ trình, cách làm phù hợp, sáng tạo. Đặc biệt, Đông Anh đã ban hành Bộ tiêu chí hợp nhất đầu tư xây dựng huyện thành quận và huyện nông thôn mới nâng cao. Trong đó, huyện lấy tiêu chí cao nhất trong các bộ tiêu chí xây dựng quận, xây dựng nông thôn mới nâng cao để thực hiện.
Nổi bật là Huyện ủy Đông Anh đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề: “Quyết tâm, phấn đấu hoàn thành “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện trong năm 2022” và “Quyết tâm thực hiện “5 có, 3 không” và hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2023 và các năm tiếp theo”. Cụ thể "5 có", đó là: Có quy hoạch; có nhà văn hóa; có sân bóng đá; có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng và có quy chế quản lý, sử dụng bảo đảm đạt hiệu quả; có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. Còn "3 không", đó là: Không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo.
Với những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, cách làm bài bản đã giúp huyện Đông Anh đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị để sớm trở thành quận của Thủ đô.