Đơn giản hóa thủ tục quản lý thuế
Tính đến hết năm 2023, trên cả nước có hơn 6,2 tỷ hóa đơn điện tử (HĐĐT) được tiếp nhận và xử lý. Việc sử dụng HĐĐT trên cả nước góp phần giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.
Tổng cục Thuế cho biết, với ngành tài chính, dữ liệu HĐĐT được xác định là một trong các nền tảng cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy định cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sớm sửa đổi, bổ sung.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ cần sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc lập hóa đơn, thời điểm lập hóa đơn, nội dung hóa đơn, xử lý hóa đơn lập sai nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện. Bên cạnh đó, cần bổ sung giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn và trong quá trình sử dụng HĐĐT; hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng biên lai, chứng từ điện tử...
Hoạt động thanh toán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng WinMart/WinMart+. Ảnh: THU HẰNG |
Nhằm cải thiện những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các doanh nghiệp và cơ quan thuế trong quá trình sử dụng HĐĐT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Dự thảo nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung một số nhóm nội dung liên quan đến người nộp thuế, nhằm bảo đảm tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa thủ tục thực hiện. Theo đó, dự thảo nghị định đề xuất sửa một số quy định như: Nguyên tắc lập hóa đơn, hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ; loại hóa đơn; thời điểm lập hóa đơn; nội dung hóa đơn; áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế; áp dụng HĐĐT khi bán hàng, cung cấp dịch vụ; xử lý hóa đơn đã lập sai. Để phòng, chống gian lận trong việc thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán HĐĐT, dự thảo nghị định cũng đề xuất sửa một số nội dung liên quan đến giải pháp của cơ quan thuế nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng HĐĐT và trong quá trình sử dụng HĐĐT, bao gồm các quy định về đăng ký sử dụng HĐĐT, ngừng sử dụng HĐĐT.
Đối với nhóm nội dung liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình sử dụng HĐĐT, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của người bán hàng, cung cấp dịch vụ sử dụng HĐĐT; nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; trách nhiệm chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu HĐĐT. Liên quan đến quy định về chứng từ, sẽ đề xuất sửa nội dung về quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai điện tử; sử dụng biên lai giấy để tạo thuận lợi cho người sử dụng. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đề xuất sửa một số nội dung về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin HĐĐT và sửa đổi các mẫu biểu đơn giản, dễ hiểu.
Theo các chuyên gia, việc sớm hoàn thiện khung pháp luật cho công tác triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế sẽ thu hút người dân cùng tham gia vào quá trình quản lý thuế. Việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ, bởi sau khi nhận HĐĐT, khách hàng có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ tăng hiệu lực cho công tác quản lý thuế, giúp đơn giản hóa thủ tục, tránh tình trạng gian lận trong sử dụng HĐĐT.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu, việc sửa nghị định phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Thuế lưu ý, công tác quản lý hóa đơn cần bảo đảm chặt chẽ, chế tài có tính răn đe với trường hợp cố tình vi phạm pháp luật.
Để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp. Ghi nhận ý kiến đóng góp của các bên, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan các cấp. Tổng cục Thuế đang tiếp tục hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, để chính sách thuế tiệm cận với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp thu được lợi ích tối đa, hạn chế các gian lận về HĐĐT.
ANH VIỆT