Điều kiện để được hưởng các mức trợ cấp thất nghiệp áp dụng cho năm 2023

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Làm thế nào để được hưởng BHTN là vấn đề mà nhiều người lao động rất quan tâm.

Điều kiện, lợi ích khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Trong giai đoạn người lao động nghỉ việc cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rất rõ nét tính ưu việt của chính sách. Đây được coi là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013, trợ cấp thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, để nhận loại trợ cấp này, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 49 Luật Việc làm như: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngoài ra, điều kiện là người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, không ít người lao động còn chưa hiểu về bảo hiểm thất nghiệp. Một số người lao động chưa nắm rõ về Nghị định 61/2020/NĐ-CP khi có việc làm mới trong thời hạn 3 ngày (tính theo ngày làm việc) phải thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm nhưng người lao động không thông báo theo đúng quy định nên không được bảo lưu thời gian đóng BHTN.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trả hợp đồng lao động cho người lao động chậm dẫn đến người lao động thông báo có việc làm mới với các Trung tâm dịch vụ không đúng thời gian quy định nên người lao động không được bảo lưu số tháng chưa hưởng.

Do đó, người lao động cần nhận thức đầy đủ, biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian thất nghiệp, người lao động nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, đồng thời họ cần chủ động với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp.

Các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động. Đơn vị này cũng cần nắm thông tin thị trường lao động cung ứng lao động các đơn vị giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn.

Các mức hưởng trợ cấp thất nghiệp áp dụng cho năm 2023

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Một trong số này là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013, trợ cấp thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua việc tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023.

Do đó, từ 1/7/2023, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước sẽ tăng từ 7.450.000 đồng/tháng lên thành 9.000.000 đồng tháng/tháng, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa nhận được sẽ là 108.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cũng được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Người lao động cũng được hỗ trợ học nghề. Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện như: Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Khác với các quyền lợi trên, quyền lợi về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm được chi trả cho người sử dụng lao động.

Lượt xem: 9
Tác giả: Phương Thu
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...