Để đồng bào Mông không di cư trái phép

Những năm qua, tình trạng một số hộ đồng bào dân tộc Mông ở Nghệ An di cư trái phép sang nước bạn Lào đã làm ảnh hưởng xấu đến công tác ổn định trật tự, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn biên giới. Hệ lụy của tình trạng di cư trái phép đã khiến cho nhiều hộ gia đình không còn nhà cửa, không có đất sản xuất vì sau thời gian di cư trái phép trở về, họ thành những người ở tạm trên chính bản làng của mình.

Năm 2016, chị Lầu Y Xùa cùng chồng di cư trái phép sang Lào. Do cuộc sống khó khăn, không có đất sản xuất, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu nên cuối năm 2022, chị ôm con trở về nhà bố mẹ đẻ ở bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn để ở nhờ. Nhớ lại những ngày còn trên đất khách, chị Xùa chia sẻ, sang bên kia, đất đai không có, phải đi làm thuê nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, các chế độ chính sách thì không được ưu đãi, đau ốm đi khám, chữa bệnh không có bảo hiểm. Hộ chị Xùa là một trong 5 hộ gia đình di cư trái phép sang Lào trở về quê hương trên địa bàn xã Nậm Càn tính từ năm 2019 đến nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp đều do nhận thức còn hạn chế nên đã tìm cách di cư trái phép qua bên kia biên giới. Sang bên đó, đa số họ đều có cuộc sống hết sức khó khăn, con cái không được đi học, luôn sống trong lo sợ bị lực lượng chức năng của nước bạn tuần tra, kiểm soát bắt giữ...

 Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn đến thăm hỏi chị Lầu Y Xùa, người vừa hồi cư (thứ hai, từ phải sang) tại gia đình bố mẹ chị.

Chúng tôi được tham gia buổi họp của bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đồng thời để ông Xồng Chồng Cô, một chủ hộ vừa di cư trái phép sang Lào trở về bản Huồi Nhao kiểm điểm lại những việc làm sai trái của mình, qua đó thông tin về cuộc sống khó khăn, vất vả khi di cư trái phép đến tận bà con nhân dân trong bản. Đây cũng là dịp địa phương và các lực lượng liên quan hiểu thêm về những tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để từng bước tháo gỡ, góp phần hạn chế tình trạng di cư trái pháp luật. 

Ông Và Bá Cha, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Càn cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xã Nậm Càn có một số hộ dân di cư trái phép qua biên giới, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Càn tổ chức tuyên truyền tập trung và tuyên truyền đến tận hộ gia đình để nâng cao nhận thức cho bà con. Bên cạnh đó, tranh thủ tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền đến người dân hậu quả của việc di cư trái pháp luật”. Già làng Lầu Xồng Xềnh, bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn cho biết: “Già cũng tuyên truyền với nhân dân là không di cư tự do, không được nghe tin đồn, xúi giục để di cư trái phép. Nếu có vấn đề không hiểu phải hỏi trưởng, phó bản, phải chăm chỉ làm ăn ở quê hương, không đâu tốt bằng quê mình”.

Bên cạnh phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng đã triển khai các hoạt động giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội bằng những mô hình cụ thể. Đối với người dân biên giới, công tác tuyên truyền không chỉ nói suông mà phải chỉ cho họ thấy bằng việc làm cụ thể. Chẳng hạn đối với hộ gia đình ông Xồng Bá Dềnh, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã đầu tư cây, con giống giúp gia đình phát triển mô hình kinh tế VACR (vườn-ao-chuồng-rừng). Hiện nay, gia đình ông Dềnh đang trồng hơn 2ha cây keo, có 2 ao cá, vườn dứa và chăn nuôi trâu, bò... mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Đồn Biên phòng Nậm Càn còn tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và huy động sự đóng góp của bà con nhân dân cùng công sức của bộ đội xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có khó khăn về nhà ở để đồng bào yên tâm gắn bó với quê hương.

Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn cho biết: “Để nâng cao nhận thức và ngăn chặn hoạt động di cư trái pháp luật, đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức nắm hoàn cảnh gia đình của các hộ dân, kết hợp thành lập những tổ tuyên truyền lưu động, lấy hạt nhân là các hộ hồi cư để họ nói lên những khó khăn khi di cư trái phép; thông qua đó để tuyên truyền các hộ có ý định di cư ổn định làm ăn, sản xuất tại địa phương. Đồng thời, Đồn phối hợp với địa phương, cộng đồng dân cư bước đầu ổn định nơi ở, nơi sản xuất cho các hộ hồi cư, tạo điều kiện cho các cháu đến trường đi học giúp gia đình từng bước ổn định cuộc sống”.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ an sinh xã hội, Đồn Biên phòng Nậm Càn đang nỗ lực phối hợp với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương giúp đồng bào di cư trở về ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Điều quan trọng hơn nữa là để người dân hiểu rằng việc di cư trái phép qua bên kia biên giới không thể mang lại cuộc sống ấm no; từ đó góp phần giữ vững bình yên ở các bản làng, tạo thế trận an ninh vững chắc nơi biên giới.

Tags: di cư
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...