Đắk Nông đang để lãng phí lớn nguồn lực đất đai

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang có rất nhiều diện tích đất công chưa phát huy hiệu quả, thậm chí nhiều nơi còn bị người dân lấn chiếm trái phép. Tình trạng này không chỉ làm lãng phí nguồn lực về đất đai mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Đắk Nông đang để lãng phí lớn nguồn lực đất đai

Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp chưa hoạt động đúng mục tiêu ban đầu, gây lãng phí về mặt đất đai. Ảnh: Phan Tuấn

68.000 hécta đất rừng đã bị lấn chiếm

Theo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, từ khi thành lập tỉnh vào năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có tổng số 53 dự án được thuê đất, rừng để đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, với tổng diện tích 43.922,58 hécta.

Quá trình triển khai một số dự án đã thực hiện không hiệu quả, chưa đảm bảo tiến độ, mục tiêu ban đầu được thẩm định. Các dự án còn vi phạm Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và vi phạm các quy định pháp luật khác còn diễn ra phổ biến. Điển hình nhất là hành vi buông lỏng quản lý, để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn.

Đến thời điểm này, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi toàn bộ 15 dự án, với tổng diện tích 7.478,3 hécta; thu hồi một phần diện tích 9 dự án, với diện tích 6.390,58 hécta. Hiện còn 38 dự án đang triển khai, tổng diện tích là 30.053,7 hécta.

"Có khoảng 68.000 hécta đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm. Hiện trạng người dân đang canh tác, sản xuất nông nghiệp, nông lâm nghiệp" - thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết thêm.

Đất công nghiệp chưa phát huy hết giá trị

Không chỉ có đất rừng, nhiều dự án cụm công nghiệp, khu công nghiệp ở tỉnh Đắk Nông cũng đang cho thấy sự lãng phí về đất đai. Đơn cử như Dự án Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Quảng Tâm, ở huyện Tuy Đức. Dự án do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (gọi tắt Công ty Đại Gia Thuận) làm chủ đầu tư, với quy mô gần 35ha, tổng số vốn đầu tư là 90 tỉ đồng.

Ngày 1.2.2012, cơ quan chức năng đã bàn giao đất trống, đã được giải phóng mặt bằng, được cắm mốc ranh giới rõ ràng cho Công ty Đại Gia Thuận. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư đã bỏ bê dự án, để người dân lấn chiếm nhưng không báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm các vụ việc.

Hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi toàn bộ dự án giao cho địa phương quản lý.

Theo UBND huyện Tuy Đức, qua rà soát tổng diện tích bị các hộ dân lấn chiếm gần 32,3ha với 53 trường hợp. Trong đó, có 30 trường hợp xác định đối tượng, 23 trường hợp không xác định được đối tượng.

Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có diện tích 374.415m2. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 83 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư.

Thế nhưng, đã hơn 12 năm nay, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp BMC - Đắk Nông vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng đầy đủ để thu hút nhà máy, doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh.

"UBND tỉnh Đắk Nông đang triển khai rà soát các thủ tục pháp lý để tiến hành thu hồi dự án không hiệu quả này" - một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết.

Tại Khu công nghiệp lâu đời nhất của tỉnh Đắk Nông nằm ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cũng đang xảy ra tình trạng lãng phí đất đai. Cụ thể, Khu công nghiệp Tâm Thắng được thành lập vào năm 2022 có quy mô rộng 179 hécta, với tổng mức đầu tư 230 tỉ đồng.

Tính đến giữa năm 2023, Khu công nghiệp Tâm Thắng thu hút được 41 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 2.931 tỉ đồng. Trong đó, có 32 dự án đi vào hoạt động, 9 dự án được chấp nhận đăng ký đầu tư, đang triển khai thực hiện. Trong tổng số 32 dự án hoạt động, chỉ có 21 dự án hoạt động hiệu quả, 11 dự án hoạt động cầm chừng.

Điều đáng nói, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, khu công nghiệp chỉ thu được gần 70 tỉ đồng từ hoạt động cho thuê đất.
Như vậy, bình quân mỗi năm khu công nghiệp chỉ thu được 3,5 tỉ đồng từ thuê đất. Điều này, đồng nghĩa với việc đất, cơ sở hạ tầng của Nhà nước thực sự đang lãng phí.

Tại Hội thảo góp ý quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM - nhận định, diện tích đất đai Đắk Nông rất lớn, nhất là đất công. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này của tỉnh còn hạn chế. Nếu như không chú trọng, quản lý kém trong vấn đề khai thác nguồn lực đất đai thì sẽ gặp khó trong phương thức huy động vốn. Một khi huy động vốn gặp khó, tỉnh nhà lấy nguồn lực ở đâu để tái đầu tư.

Lượt xem: 1
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết