Củng cố, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 22-10.

Cách đây hơn 45 năm, ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc-tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình (GGHB), ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên LHQ để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Việt Nam cũng đã tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ). Ảnh:UN.

Một dấu mốc quan trọng minh chứng cho sự đồng hành giữa Việt Nam và LHQ những năm qua là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế trong bối cảnh HĐBA phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, thêm vào đó là những thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu trầm trọng nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Những năm gần đây, mạch nguồn cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ tiếp tục được khơi thông. Bằng chứng là Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, trách nhiệm, đóng góp thực chất, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột của LHQ. Hai bên đã hoàn thành kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và LHQ trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ đã được ký tháng 7-2017, tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Việt Nam cũng đã thông qua các chương trình quốc gia hợp tác với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-LHQ giai đoạn 2022-2026.

Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người. Trong lĩnh vực GGHB LHQ, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt sĩ quan Quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục GGHB tại trụ sở LHQ; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tới Phái bộ Nam Sudan và 1 đội công binh tới Phái bộ An ninh lâm thời của LHQ tại khu vực Abyei (UNISFA).

Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, thể hiện trách nhiệm cao, trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực; đồng thời tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người.

Với những đóng góp tích cực ấy, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều dấu ấn. Mới đây, Việt Nam đã được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Mối quan hệ Việt Nam-LHQ còn được tái khẳng định trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 khi Việt Nam tiếp nhận viện trợ hơn 61,7 triệu liều vaccine thông qua chương trình COVAX và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức LHQ.

Nhìn lại chặng đường hơn 45 năm qua, có thể thấy rằng quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thư ký António Guterres thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của LHQ đối với quan hệ đối tác vượt thời gian giữa Việt Nam và LHQ. Chuyến thăm cũng mở ra cơ hội để hai bên khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác để từ đó vừa hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam, vừa góp phần nâng cao vai trò của LHQ.

QĐND

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...