Chủ tịch Tập đoàn NEC, UPS, Acer, cùng gần 200 lãnh đạo doanh nghiệp đến Quảng Ninh họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC

Đến nay đã có đã có trên 130 đại biểu đăng ký đến Hạ Long (Quảng Ninh) dự họp trực tiếp, một số lượng vượt trội so với 2 kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC diễn ra trước đó tại Singapore và Vancouver (Canada). "Một lãnh đạo doanh nghiệp rất lớn ở Trung Quốc vẫn sang Việt Nam dự sự kiện và chấp nhận trở về bị cách ly", Chủ tịch VCCI tiết lộ.

Việt Nam thay Trung Quốc đăng cai kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III), diễn ra từ ngày 26-29/07/2022 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Sự kiện do ABAC Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì với chủ đề "Nắm bắt. Tham gia. Kiến tạo" (Embrace. Engage. Enable) - với mong muốn Nắm bắt những cơ hội khi thế giới đã kết nối trở lại; Kiến tạo thông qua hợp tác đưa ra những ý tưởng, sáng kiến; và Tham gia vào chuyển đổi số, phát triển bao trùm và bền vững.

ABAC III dự kiến sẽ có sự tham gia của gần 200 đại biểu (tham dự theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp), bao gồm các thành viên ABAC chính thức, thành viên ABAC dự khuyết, một số quan chức cao cấp APEC, khách mời của ABAC, một số nhà nghiên cứu, diễn giả... Đến nay đã có đã có trên 130 đại biểu đăng ký đến Hạ Long dự họp trực tiếp, chỉ có số lượng rất ít đại biểu dự họp trực tuyến, một số lượng vượt trội so với 2 kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC diễn ra trước đó tại Singapore và Vancouver (Canada).

"Một lãnh đạo doanh nghiệp rất lớn ở Trung Quốc vẫn sang Việt Nam dự sự kiện và chấp nhận trở về bị cách ly", ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ABAC Việt Nam - tiết lộ trong buổi họp báo giới thiệu sự kiện. Với chính sách Zero Covid, hiện Trung Quốc đang yêu cầu người nhập cảnh phải lưu lại khu cách ly tập trung trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tại nhà.

Trong số đại biểu đến Việt Nam, có lãnh đạo của các tập đoàn lớn hàng đầu khu vực và thế giới như Chủ tịch các Tập đoàn NEC, Marubeni, UPS, Acer..., đồng thời còn có các lãnh đạo của các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư uy tín và có ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Theo đơn vị chủ trì, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là khách mời đặc biệt dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp vào sáng 27/7. 

Việc đăng cai ABAC III sẽ giúp thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và là dịp để Việt Nam thể hiện là điểm sáng của đầu tư quốc tế trong thời kỳ "bình thường mới" với những chính sách đầu tư an toàn, cởi mở, hấp dẫn; kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả; đồng thời thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. 

Đồng thời, sự kiện này cũng góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong ABAC nói riêng và APEC nói chung.

ABAC III là sự kiện lớn và có ý nghĩa kinh tế - thương mại đối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực. Những chủ đề được thảo luận trong Kỳ họp III là những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp khu vực đặc biệt quan tâm, hướng đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu. Đặc biệt, kỳ họp này của ABAC là sự kiện quan trọng để Hội đồng xây dựng báo cáo khuyến nghị của doanh nghiệp gửi lên các Bộ trưởng phụ trách Tài chính, các Bộ trưởng phụ trách Thương mại, các Thống đốc Ngân hàng, và Báo cáo thường niên của ABAC gửi Lãnh đạo APEC. 

Ngoài ra, kỳ họp này cũng chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với ABAC sẽ diễn ra tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 vào tháng 11/2022 tại Thái Lan.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là Diễn đàn của các nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương được thành lập từ năm 1989 với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm 1998, Việt Nam gia nhập APEC và đến nay tổ chức này có 21 nền kinh tế thành viên nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản); 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) (Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Mỹ).

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) được các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC thành lập năm 1995 với mục tiêu tư vấn cho các nhà lãnh đạo về những vấn đề quan trọng hàng đầu liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực.

ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên. Mỗi nền kinh tế APEC được chỉ định tối đa 3 đại diện, lựa chọn từ khu vực kinh tế tư nhân để tham gia ABAC. Thành viên ABAC gồm Lãnh đạo cấp cao của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và lãnh đạo (thường là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc) của các tập đoàn tài chính, công nghiệp lớn của các nền kinh tế trong khu vực. Thành viên này sẽ do nguyên thủ nền kinh tế APEC chính thức bổ nhiệm.

Bên lề ABAC III diễn ra tại Quảng Ninh, VCCI phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức 2 hoạt động quan trọng, gồm:

- Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Quảng Ninh vào chiều ngày 26/7/2022 nhằm quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh và các cơ hội hợp tác của tỉnh với tên gọi "Quảng Ninh 2022: Hội tụ và Lan tỏa".

- Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, hướng đến liên kết 4 địa phương dọc theo con đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Móng Cái, gồm Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, tổ chức vào chiều 28/7.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...