Cấm giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra: Chặn 'ngoại giao bàn tiệc'

Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức dù hoạt động không có gì khuất tất nhưng lực lượng thanh tra xuống là lo lắng, đứng ngồi không yên.

Ngày 5/11, tại nghị trường Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu khi giải quyết công vụ, trong đó có cán bộ trong lĩnh vực thanh tra.

Dẫn ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cán bộ thanh tra còn "dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra", ông Đoàn Hồng Phong nói sẽ tiếp thu ý kiến để sửa đổi quy định chặt chẽ hơn.

Nói là làm, chưa đầy 1 tháng sau, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký Quyết định 465 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Cấm giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra: Chặn

Cuộc họp tại Thanh tra Chính phủ 

Theo đó, nghiêm cấm việc thanh tra vượt thẩm quyền, ngoài phạm vi, đối tượng, nội dung theo quyết định thanh tra; bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua nội dung thanh tra trong kế hoạch được phê duyệt.

Cấm việc báo cáo, tham mưu, đề xuất kết luận sai sự thật, không đầy đủ, không đúng kết quả thanh tra, bao che cho đối tượng thanh tra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, quy chế quy định cán bộ, công chức, viên chức thanh tra không được tự ý tiếp xúc với đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung thanh tra khi chưa được giao nhiệm vụ. Cấm nhận tiền, quà, tài sản; tổ chức, tham gia giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức...

Về mặt nào đó, quy chế này đã vạch trần nhiều "chiêu trò" được cho là được một bộ phận cán bộ thanh tra sử dụng lâu nay. Đó cũng chính là những chiêu trò khiến không ít vị "mũ cao áo dài" phải nhận kỷ luật, thậm chí phải mặc áo phạm nhân.

Xã hội lâu nay tồn tại tâm lý sợ cán bộ thanh tra như... sợ cọp. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức dù hoạt động không có gì khuất tất nhưng lực lượng thanh tra xuống là lo lắng, đứng ngồi không yên. Xin nhấn mạnh rằng họ "sợ cán bộ thanh tra" chứ không hẳn lo ngại quy định, quy trình thanh tra. Vì sao? Quy trình thường không sai nhưng người thực thi lại có thể vô tình hoặc chủ động làm sai, tới mức trở thành "ung nhọt" tiềm tàng, gây bức xúc trong dư luận. 

Những câu chuyện ì xèo liên quan đến việc nhân viên công vụ nói chung, cán bộ thanh tra nói riêng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức... khiến người viết không thể không liên tưởng tới những câu ví von như: "ngoại giao bàn tiệc", "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"... Nắm được tâm lý không đối tượng bị thanh tra nào muốn gặp phiền phức, những người có trách nhiệm, quyền hạn nhưng lại thiếu thượng tôn pháp luật đã coi đó là dư địa để khai thác triệt để. Tuy nhiên, hãy nhớ, "dư địa khai thác" ấy cũng là những cái bẫy nghiêm khắc!

Quyết định 465 đã trao thêm cho cơ quan công quyền và người dân công cụ để tuân thủ nghiêm ngặt quy định về thanh tra và giám sát tốt hơn hành vi, đạo đức của người thực thi công vụ. 

Trong thời điểm cuối năm, thường gọi là "tháng củ mật", quyết định này càng có giá trị ngăn ngừa những "hành vi ruồi nhặng". Đó như một "hàng rào thép" dựng lên nhằm ngăn cản cán bộ thanh tra bước qua ranh giới của đạo đức công vụ.

Lượt xem: 26
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...