Các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tiến độ các DA đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 27/3/2024 gồm các thông tin thị trường đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:

Các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tiến độ các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối; Các nước ASEAN tăng cường đảm bảo hàng hóa đúng xuất xứ; Hàn Quốc thông báo tái kiểm tra ớt cay nhập khẩu từ Việt Nam; Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng; Hơn 92% cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.

Các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tiến độ các dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

undefined
Bộ trưởng yêu cầu EVN/EVNNPT, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công

Ngày 26/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp giao ban định kỳ về đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 9 địa phương có đường dây đi qua.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điên lực Việt Nam, đến thời điểm này, các địa phương đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1177/1177 vị trí móng cột và 218/503 (tương đương với 43,34%) khoảng néo. Khối lượng thi công còn nhiều, trong khi các dự án đang gặp phải một số khó khăn nhất định như: Huy động máy móc thi công móng cọc, khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, thời gian vừa qua, các bộ, ngành, UBND 9 tỉnh có dự án đi qua, cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nên hai tuần qua công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến và công tác thi công đã có chuyển biến nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nếu không xử lý dứt điểm các vướng mắc để bàn giao toàn bộ hành lang tuyến sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh có các dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ dân đồng thuận, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến trong tháng 3/2024. Đảm bảo các dự án có thể thi công kéo dây vào đầu tháng 4/2024. Tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thỏa thuận, mở đường vào thi công và bãi tập kết nguyên vật liệu để triển khai thi công…

Bộ trưởng yêu cầu EVN/EVNNPT, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt là những vị trí qua địa hình khó khăn, những vị trí thời gian qua bị ảnh hưởng bởi thời tiết để bù tiến độ, đảm bảo hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, sớm hoàn thành các thủ tục lựa chọn lại nhà thầu gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án Quảng Trạch – Quỳnh Lưu; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Các nước ASEAN tăng cường đảm bảo hàng hóa đúng xuất xứ

undefined
Các nước ASEAN tăng cường đảm bảo hàng hóa đúng xuất xứ

Từ ngày 25 đến ngày 27/3, tại Quảng Ninh,Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị Chuyển đổi quy tắc cụ thể mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhấn mạnh, việc chuyển đổi quy tắc cụ thể mặt hàng trong khuôn khổ Hiệp định đúng thời hạn sẽ đảm bảo được tính dự đoán và minh bạch đối với doanh nghiệp. Bất cứ sự trì hoãn chuyển đổi quy tắc xuất xứ nào đều dẫn tới việc tăng chi phí và thất thoát lợi ích của Hiệp định.

Theo quy định của Tổ chức Hải quan Thế giới, mã HS của Hệ thống hài hòa về mô tả và mã hóa hàng hóa được cập nhật thường xuyên 5 năm một lần để đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu thương mại quốc tế. Việc cập nhật này cũng yêu cầu quy tắc cụ thể mặt hàng trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc được chuyển đổi.

Do vậy, ngay tại Hội nghị, các bên đã tiến hành rà soát và hướng tới mục tiêu gần 7.000 dòng thuế của danh mục Tiêu chí xuất xứ trong Hiệp định AKFTA được chuyển đổi từ mã HS 2107 sang mã HS 2022, đồng thời, thảo luận tiến độ và cơ chế thực thi quy tắc xuất xứ theo mã HS mới.

Tại Hiệp định AKFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, 14% tổng số dòng thuế còn lại giảm thuế về 5% vào thời điểm cuối lộ trình (năm 2021) và cắt giảm một phần thuế suất vào 2021 hoặc giữ nguyên thuế suất MFN.

Nhằm thực thi Hiệp định AKFTA, Tiểu ban Hợp tác Kinh tế ASEAN - Hàn Quốc triển khai Hội nghị về xuất xứ hàng hóa để chuyển đổi Danh mục quy tắc mặt hàng theo Hệ thống Hài hòa HS của Tổ chức hải quan thế giới. Từ đó, tạo thuận lợi cho nhà nhập khẩu sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu AK để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt AKFTA.

Hàn Quốc thông báo tái kiểm tra ớt cay nhập khẩu từ Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi nhập khẩu vào nước này.

Nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thực phẩm nhập khẩu, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông báo sẽ gia hạn lệnh kiểm tra theo Điều 22 của “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” và theo “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…

Trước khi chấm dứt lệnh kiểm tra, Bộ này quyết định tái chỉ định một số mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra sau nhiều lần cân nhắc và xem xét do có tỷ lệ không phù hợp cao hoặc có nguy cơ gây hại.

Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, mặt hàng thực phẩm cần kiểm tra là: Ớt cay; Hạng mục kiểm tra bao gồm 7 thuốc trừ sâu.

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc sẽ gia hạn lệnh kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2025 (thay vì 30/3/2024) do các thực phẩm nhập khẩu liên tục không tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ Indonesia đấu thầu để tăng nguồn cung. Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 590 - 595 USD/tấn.

Hiện nay, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán với giá từ 590 - 595 USD/tấn, tăng khá so với mức 585 USD/tấn của một tuần trước đó. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu từ châu Phi thấp.

Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đứng ở mức từ 543 - 550 USD/tấn trong tuần qua; hồi đầu tháng tháng 3/2024, giá chào bán gạo đồ 5% tấm của nước này đạt mốc cao kỷ lục 560 USD/tấn.

Một công ty xuất khẩu tại New-Delhi cho biết, các khách hàng châu Phi đã mua đủ lượng dự trữ để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn và có ý chờ giá điều chỉnh trước khi tiếp tục mua. Các nhà giao dịch Ấn Độ ký ít hợp đồng xuất khẩu gạo đồ hơn sau khi cơ quan hải quan nước này thay đổi cách tính thuế xuất khẩu.

Cùng thời điểm, gạo 5% tấm của Thái Lan đứng ở mức 598 USD/tấn vào ngày 21/3, giảm so với mức 615 USD/tấn của tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo Thái Lan giảm do đồng baht xuống giá, trong khi giá gạo trong nước gần như không đổi.

Hơn 92% cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng

undefined
Tính đến ngày 24/3, có 41/63 địa phương đạt tiến độ trên 90% về việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với hoạt động xăng dầu

Tổng cục Thuế vừa có thông tin về tình hình triển khai hoạt động phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, đến ngày 24/3, toàn quốc đã có 14.727/15.981 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, ước đạt 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tính đến ngày 24/3, có 41/63 địa phương đạt tiến độ trên 90% về việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với hoạt động xăng dầu; 14 địa phương hoàn thành là Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Trà Vinh.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, vẫn còn 1.254 cửa hàng chưa thực hiện phát hành hoá đơn bán lẻ từng lần bán hàng, chiếm khoảng 7,8%.

Do đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng các đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện nghiêm, quyết liệt, triệt để các chỉ đạo và phấn đấu đến ngày 31/3 hoàn thành việc triển khai tại các địa phương.

Thời gian qua, để tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai công điện chỉ đạo Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố, các ngành chức năng liên quan triển khai thực hiện.

Lượt xem: 4
Tác giả: Thực hiện Nhóm phóng viên