Kiều bào trẻ và khát vọng nâng tầm vị thế quốc gia
Trong 5,3 triệu người Việt sinh sống tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có hơn 500.000 doanh nhân, trí thức trình độ cao. Nhiều người trong số họ là các bạn trẻ, luôn khát khao được đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển, nâng tầm vị thế đất nước và quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chàng trai “đi theo tiếng gọi của con tim”
“Tôi rất ngạc nhiên là giờ đây vẫn còn nhiều người trên thế giới cho rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia còn đói, nghèo và chiến tranh. Điều đó thôi thúc tôi phải làm gì đó để người dân ở quốc gia khác hiểu hơn về Việt Nam, yêu Việt Nam và đặt chân đến khám phá đất nước mình”. Đó là chia sẻ của Ngô Duy, du học sinh tại Mỹ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Là du học sinh theo học ngành Tài chính ở một trường đại học tại Mỹ, chàng trai trẻ Ngô Duy có 10 năm sinh sống và học tập ở quốc gia này. Học xong, Duy nhận được nhiều lời mời làm việc của nhiều tập đoàn tài chính lớn tại Mỹ và Singapore song lại quyết tâm trở về Việt Nam lập nghiệp.
Anh Ngô Duy - cựu du học sinh tại Mỹ |
“Tôi luôn đau đáu một điều, Việt Nam đã thay đổi và phát triển rất nhanh, cơ hội cho người trẻ rất nhiều. Nếu sống ở Mỹ hay quốc gia nào đó thì suy cho cùng, tôi cũng không phải là người bản địa. Trong khi đó, gia đình, quê hương, bản quán mình ở Việt Nam.
Vậy tại sao không về nước đóng góp công sức, trí tuệ cùng đồng bào mình để thế giới chứng kiến hình ảnh một dân tộc hùng cường, không thua kém quốc gia nào”, Ngô Duy nghĩ vậy và quyết định về nước, đầu quân cho một tập đoàn bất động sản lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Được làm việc trong lĩnh vực bất động sản, Ngô Duy đã có cơ hội giới thiệu đến bạn bè về quê hương, đất nước mình thông qua những công trình, dự án. Anh mong muốn, qua công việc mình làm, những công trình kiến trúc, bất động sản quy mô, mang tầm quốc tế của công ty, những người xa xứ lâu năm có dịp hiểu về dân tộc, quê hương mình. Giờ đây, đất nước đã có một diện mạo khác, sánh ngang tầm thế giới.
“Tôi rất tự hào khi nhắc tên đất nước mình. Đó là một dân tộc yêu hòa bình, cởi mở, thân thiện, nơi ấy có thành phố Hà Nội được công nhận là Thành phố hòa bình với rất nhiều di sản, bề dày trầm tích văn hiến.
Tôi cũng tin rằng, với đóng góp của nhiều du học sinh, sự cộng hưởng của trí tuệ Việt khắp năm châu, không những kiều bào xa quê nhiều năm mà bất cứ du khách nào đặt chân đến Việt Nam cũng sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú và ngưỡng mộ sự phát triển thần kỳ của Việt Nam”, chàng trai Hà Nội chia sẻ.
Ước vọng nâng tầm trí tuệ Việt
Cũng ước vọng được chung tay dựng xây và cống hiến cho đất nước, Mr Tony (Dương Linh) trở thành một trong những start-up trẻ được giới du học sinh vô cùng ngưỡng mộ.
Sinh năm 1990, Dương Linh theo học ngành tài chính ở Mỹ và là gương mặt quen thuộc của cộng đồng du học sinh Việt tại đây. Từng có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn chiến lược tại các tập đoàn hàng đầu thế giới ở New York như: Ernst & Young - People Advisory Services, PwC - Advisory và BlackRock nhưng với khát vọng xây dựng hình ảnh người trẻ Việt trong thời đại mới, chàng trai này đã sáng lập Học viện hướng nghiệp Career Pass Institue (CPI).
Anh Dương Linh - nhà sáng lập Học viện hướng nghiệp Career Pass Institue (CPI) |
“Tháng 8/2017, tôi và một số du học sinh Việt đã “gặp nhau” trong một ý tưởng giáo dục nâng tầm trí tuệ Việt khi cùng tổ chức hội thảo hướng nghiệp tại New York cho cộng đồng du học sinh tại Mỹ. Vài tháng sau, tôi có cơ hội được tham gia chuẩn bị bài báo cáo cho CEO một tập đoàn thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Là người Việt duy nhất làm việc với hơn 15 cộng sự người Mỹ trong dự án đó, tôi rất tự hào khi năm đó Việt Nam nằm trong top 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi nhận ra rằng Việt Nam vẫn chưa tối ưu hóa hết các cơ hội của mình, trình độ nhân lực; đặc biệt là các bạn trẻ vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế”, Dương Linh chia sẻ.
Ngay sau đó, Học viện CPI ra mắt từ tháng 4/2018 tại thành phố New York (Mỹ) với mục tiêu nâng tầm người Việt trên trường quốc tế thông qua các chương trình huấn luyện kỹ năng làm việc và tìm việc chuyên nghiệp.
“CPI đã định hướng chiến lược ngành nghề và đào tạo kỹ năng tìm việc cho du học sinh, giúp đỡ sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân trên thị trường quốc tế. Từ đó, các bạn có thể tìm được công việc mơ ước tại những tập đoàn hàng đầu thế giới để khởi đầu sự nghiệp”, anh nói.
Anh Dương Linh luôn mong muốn góp phần nâng tầm trí tuệ Việt trên thế giới |
Chàng trai này chia sẻ, chương trình huấn luyện của CPI bao gồm tư vấn nghề nghiệp, phát triển kế hoạch chiến lược xây dựng sự nghiệp và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Những chuyên gia tham gia đào tạo ở CPI đều có kinh nghiệm làm việc thực tiễn từ 5-10 năm tại các tập đoàn hàng đầu ở Mỹ.
Họ tập trung vào thế mạnh và kinh nghiệm của chính mình để phát triển các chương trình đào tạo giúp các ứng viên tạo "giá trị thực" nổi bật trên đường đua khắc nghiệt vào các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới tại Mỹ. Bởi vậy, quy trình và cường độ đào tạo, thực hành rất khắt khe.
Anh kể, trung bình, mỗi học viên sẽ trải qua khoảng 100 - 150 tiếng đào tạo và thực hành. Bởi vì, đó là khoảng thời gian tối thiểu cần phải có để một học viên có thể nắm bắt và thực hành các kỹ năng nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp, đủ chinh phục các tập đoàn lớn.
Góp phần phát triển thương hiệu giới trẻ Việt
Trải qua hành trình đồng hành cùng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, anh đã giúp hàng trăm sinh viên, học sinh tốt nghiệp từ chương trình huấn luyện của CPI có cơ hội bước chân vào những tập đoàn hàng đầu thế giới như: Ernst & Young, PwC, Deloitte, BCG, Facebook, Stanford University, Etsy, FMC, Boeing…
Là thành viên Ban Điều phối của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ và lãnh đạo các dự án phát triển định hướng nghề nghiệp và kỹ năng lãnh đạo dành cho sinh viên, 6 năm qua, Mr Tony cũng tổ chức và điều hành nhiều hội thảo nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam trong nước và tại Mỹ.
Anh Dương Linh |
Chàng trai chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ với anh đó là được tham gia trong vai trò điều phối cho buổi thảo luận trong khuôn khổ của chương trình chào đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ và Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc Đặng Hoàng Giang và đoàn công tác của Thủ tướng tại New York.
Cuộc họp có mục đích thu thập ý kiến từ cộng đồng các nhà lãnh đạo và kinh doanh gốc Việt tại Hoa Kỳ để giúp hình thành các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và các ngành mới nổi nhằm nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vừa được thiết lập vừa qua.
Dương Linh cho biết, sau cuộc gặp, anh đã nhìn thấy rõ được sứ mệnh của mình và CPI trong thời gian sắp tới; đồng thời thấy được những cơ hội rất tốt để định hướng cho các du học sinh Việt tại Mỹ biết cần làm gì để tối ưu hóa trong thời gian làm việc tại Mỹ. Xa hơn nữa là có thể xây dựng sự nghiệp riêng khi hiểu được những chiến lược vỹ mô trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mr Tony vinh dự tham gia điều hành buổi thảo luận bàn tròn mới đây cùng đoàn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính tại New York |
“Thực tế, các bạn trẻ Việt rất giỏi nhưng đa phần thiếu kỹ năng và sự định hướng. Vì thế, không chỉ đào tạo về kiến thức, chuyên môn cho họ mà CPI còn truyền cảm hứng về tính kỷ luật, tinh thần kiên trì, ý chí quyết tâm phấn đấu…
Khi làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, họ sẽ học hỏi, tăng sức cạnh tranh và thêm nhiều kỹ năng và sau đó, quay trở lại đóng góp trí tuệ cho quê nhà. Đồng thời, điều này cũng dần hình thành và góp phần phát triển thương hiệu giới trẻ Việt trong thời đại ngày nay”, anh tâm sự.