Vợ chồng Trung Quốc tái hôn khi phát hiện con mắc tự kỷ

Hành động quyết định đoàn tụ và ở bên nhau để chăm sóc con trai được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ của đôi vợ chồng này đã nhận được nhiều lời khen từ dân mạng.

Gia đình đoàn tụ sau chia ly truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Ảnh: SCMP

Người phụ nữ họ Huang kết hôn với chồng vào năm 2013 và ly hôn 6 năm sau đó. Cặp đôi có 2 người con, một trai, một gái và đã tái hôn vào tháng 1 năm nay, theo SCMP.

Huang cho biết họ đã đệ đơn ly hôn vào năm 2019 tại tỉnh Hà Bắc, nguyên nhân chính của việc chia cách được cho là bất đồng quan điểm. Tòa án đã trao quyền nuôi con gái cho Huang và chồng cũ của cô là người nuôi con trai.

Tuy nhiên, ngay sau khi chia tay, họ phát hiện bé trai bắt đầu có những cư xử bất thường. Họ đưa cậu bé đến gặp các bác sĩ và nhận được chẩn đoán cậu mắc chứng tự kỷ.

"Ngay sau khi chúng tôi ly hôn, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Vì vậy, tôi đã không chuyển đi, và chúng tôi vẫn sống trong cùng một ngôi nhà. Nhận tin con trai mắc chứng tự kỷ nên chúng tôi quyết định cùng nhau đối mặt với những khó khăn sắp tới", Huang nói.

Kể từ đó, Huang thường xuyên phải đưa cậu bé đến khắp các tỉnh khác để nhờ chuyên gia tư vấn chữa trị. Đồng thời, chồng cô phải làm công việc bán cá để trả tiền điều trị phục hồi chức năng cho con.

Tai hop sau ly hon anh 1

Cặp đôi ly hôn vào năm 2019 nhưng đã vượt qua điều này vì con trai của họ. Ảnh: Weibo

"Hai năm qua thật khó khăn với chúng tôi. Một khoảnh khắc thường thấy trong gia đình suốt khoảng thời gian qua là tôi an ủi chồng mình, hoặc anh ấy an ủi lại tôi". Huang cho biết cô quyết định tái hôn với chồng cũ sau những khó khăn mà họ đã cùng nhau trải qua và chứng kiến những đóng góp, hy sinh của anh cho gia đình.

"Việc điều trị phục hồi chức năng của con trai tôi không có nhiều tiến triển. Cho dù tình trạng của cậu bé trong tương lai như thế nào, chúng tôi cũng sẽ đối mặt mà không có bất kỳ sự e ngại nào", Huang chia sẻ thêm.

Câu chuyện của cặp đôi này có hơn 86 triệu lượt xem trên Weibo và nhận được 3.000 bình luận tại thời điểm bài viết được đăng tải, nhiều người nói rằng họ rất cảm động trước hành động cao cả và tình yêu gia đình sâu sắc của cặp vợ chồng này.

Một bình luận với 15.000 lượt thích cho rằng: "Chịu trách nhiệm là điều mà các bậc cha mẹ nên làm. Họ ly hôn khi cho rằng không hợp nhau nhưng khi tai họa ập đến với gia đình, họ có thể vì con mà gắn kết lại và hỗ trợ lẫn nhau".

Tai hop sau ly hon anh 2

Bệnh tự kỷ có thể phát triển từ sự kết hợp giữa ảnh hưởng của di truyền và môi trường. Ảnh: Weibo

"Trường hợp này là minh chứng rõ ràng rằng tình yêu thương vượt lên trên tất cả để ràng buộc, níu giữ mối quan hệ gia đình. Một người có thể không thay đổi vì vợ/chồng của mình nhưng họ sẽ làm bất cứ điều gì vì con mình", độc giả khác cho hay.

Những câu chuyện tái hôn dường như đang trở thành tâm điểm trên mạng xã hội ở Trung Quốc đại lục.

Mới đây, một người đàn ông Thượng Hải tái hôn với vợ cũ sau khi cô được chẩn đoán mắc bệnh nặng liên quan đến đường máu.

Vào tháng 1, một người đàn ông ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã liên lạc với vợ cũ sau khi nghe tin cô mắc chứng suy thận và đề nghị tái hôn với cô. Anh cũng đề nghị được hiến tặng cô một quả thận. Người phụ nữ lúc đầu từ chối vì sợ bệnh tật sẽ làm gánh nặng cho anh, nhưng sự chân thành của anh đã khiến cô thực sự cảm động và đồng ý quay về bên nhau.

Trên thực tế, số trường hợp tái hôn chỉ chiếm rất ít tại Trung Quốc, trong khi nước này đang chứng kiến số lượng vụ ly hôn tăng mạnh.

Đầu năm nay, ngay sau Tết Nguyên đán, ở Giang Tây, một người dân đã chia sẻ về việc các cặp đôi xếp hàng nộp đơn ly hôn vào ngày đầu tiên cục dân chính địa phương mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ. Hàng người được cho là quá dài khiến mọi người phải đợi bên ngoài.

Một video khác cho thấy cảnh tương tự tại một văn phòng địa phương ở tỉnh An Huy. Cảnh đông đúc người xếp hàng cũng diễn ra ở Hà Nam.

Các tài khoản truyền thông như Toutiao News, Vista Phoenix News đều đăng tải về hình ảnh dòng người chờ đợi để làm thủ tục ly hôn vào ngày 29/1.

Xu hướng ly hôn sau Tết Nguyên đán cũng đã được thảo luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và mạng xã hội trong những năm trước.

Lượt xem: 17
Tác giả: Hồng Hạnh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...