Tiềm năng thành công của xe nhỏ gọn, xe cỡ trung bình chạy điện tại Trung Quốc
Xe điện đã và đang chiếm lĩnh thị trường cả ở phân khúc cao cấp và bình dân tại đất nước tỷ dân.
Khi ô tô điện ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, tính cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ngày càng gia tăng. Tại một số quốc gia, nhiều công ty chủ yếu nhắm vào phân khúc cao cấp và đang tìm mọi cách để cạnh tranh về giá cả. Trong khi đó, những nhà sản xuất khác lại tấn công cả phân khúc bình dân và hạng sang.
Lấy Mỹ và Trung Quốc làm ví dụ. Các nhà sản xuất (vốn do Tesla dẫn đầu) hầu hết đã thành công ở Mỹ bằng cách giới thiệu các mẫu xe điện ở phân khúc cao cấp ra thị trường và từ từ mở rộng sang các phân khúc giá trung bình với số lượng lớn hơn. Năm 2019, có 322.000 xe plug-in (sự kết hợp giữa xe điện và xe hybrid, sử dụng 1 động cơ đốt trong và 1 động cơ điện) được bán tại Mỹ. Năm nay, Bloomberg dự kiến con số này sẽ tăng lên 1,4 triệu.
Còn tại Trung Quốc, xe điện đã và đang chiếm lĩnh thị trường cả ở phân khúc cao cấp và bình dân. Khoảng 567.000 xe chở khách plug-in đã được bán ra chỉ trong tháng 7 vừa qua, tăng 120% so với một 1 trước. Bloomberg dự kiến sẽ có tổng cộng 6 triệu chiếc được giao trong năm nay.
Thị phần của xe điện có thể tăng cao hơn nữa trong vài năm tới, khi sự quan tâm của người tiêu dùng tăng lên. Điều này có thể dẫn đến việc doanh số bán xe chạy bằng động cơ đốt trong giảm nhanh chóng.
Đó là bức tranh tổng thể, nhưng câu chuyện phân khúc ở Trung Quốc thậm chí còn thú vị hơn. Những chiếc xe nhỏ nhất (thuộc phân khúc mini) như mẫu xe điện Hongguang Mini, có giá khởi điểm chỉ 5.000 USD đã thu hút được đông đảo sự chú ý của người tiêu dùng. Đây là chiếc xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại của năm nay.
Xe ô tô cỡ lớn và xe thể thao đa dụng chạy bằng điện cũng chiếm tỷ lệ cao, với doanh số lần lượt là 29% và 32%. Hai phân khúc này được dẫn đầu bởi các mẫu xe bao gồm BYD Han và Volkswagen ID.6.
Xe hơi nhỏ gọn và xe SUV là những phân khúc có doanh số cao, đại diện cho khoảng một nửa thị trường ô tô của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi sang xe điện thấp hơn nhiều so với các phân khúc khác và chỉ chiếm 16% doanh số bán hàng. Hai phân khúc này được thống trị bởi các nhà sản xuất như Nissan, Toyota và Volkswagen.
Bloomberg đánh giá rằng các nhà sản xuất xe điện đã và đang thành công với cả mẫu xe mini, xe cỡ lớn và xe SUV tại Trung Quốc. Sự thành công tiếp theo có thể sẽ là phân khúc xe nhỏ gọn và cỡ trung bình.
Cũng theo Bloomberg, rất có thể cuộc chiến giành thị phần xe điện tại Trung Quốc sẽ trở nên khốc liệt hơn trong tương lai. Việc ra mắt mẫu mới cũng như tăng khả năng sạc có thể giúp các nhà sản xuất tăng tính cạnh tranh của mình.
Tỷ suất lợi nhuận cao trong những phân khúc xe lớn hơn khiến đây trở thành nơi hấp dẫn để các nhà sản xuất ô tô ra mắt xe điện. Với những cải tiến không ngừng, người tiêu dùng có thể tiếp cận công nghệ kỹ thuật số mới nhất như cập nhật phần mềm qua Internet hay nhiều tính năng hỗ trợ người lái khác.
Một điều cần lưu ý là Trung Quốc thúc đẩy xe điện chủ yếu để giảm nhập khẩu dầu và cải thiện chất lượng không khí đô thị. Đất nước tỷ dân đang tìm cách mở rộng hệ thống trạm sạc trong nỗ lực đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm 40% doanh số ô tô mới bán ra.
Nguồn: Bloomberg