Mở ra trang mới trong quan hệ song phương Pháp - Algeria

Chuyến thăm Algeria kéo dài 3 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khép lại với việc hai bên ra tuyên bố chung về "sự phát triển mới và không thể đảo ngược" trong quan hệ song phương. Theo France24, điều này đánh dấu thành công của tiến trình hàn gắn quan hệ giữa Pháp với quốc gia Bắc Phi sau một loạt căng thẳng gần đây liên quan đến các vấn đề lịch sử.

Trong tuyên bố chung ngày 27-8, hai nhà lãnh đạo khẳng định Pháp và Algeria đã quyết định mở ra một kỷ nguyên mới, đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác được thể hiện thông qua cách tiếp cận cụ thể, mang tính xây dựng, tập trung vào các dự án tương lai và thế hệ trẻ. Tại lễ ký kết, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cũng nhấn mạnh chuyến thăm thành công xuất sắc, tạo đà cho việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Xuyên suốt chuyến thăm lần này, Tổng thống Macron đã thể hiện rõ mong muốn gỡ nút thắt lịch sử trong quan hệ hai nước bằng những hành động cụ thể, khi ông cùng Tổng thống Tebboune đến viếng đài tưởng niệm các binh sĩ tử trận trong cuộc chiến giành độc lập, kết thúc hơn 130 năm đô hộ của Pháp vào năm 1962. Ngoài các cuộc gặp cấp cao, Tổng thống Macron cũng có các cuộc tiếp xúc với một số nghệ sĩ, người nổi tiếng và các doanh nhân trẻ có tầm ảnh hưởng tại Algeria, với mục tiêu xóa bỏ những hiểu lầm và xoa dịu vết thương lịch sử.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tại lễ ký kết ngày 27-8. Ảnh: Tân Hoa xã 

Bên cạnh đó, ông cho biết sẽ có thêm 8.000 du học sinh Algeria đến học tại Pháp trong năm nay, cùng với 30.000 sinh viên hiện đang học tập tại nước này. Hai nước cũng sẽ thành lập một ủy ban chung gồm các nhà sử học của Pháp và Algeria để nghiên cứu các tài liệu lưu trữ về thời kỳ đô hộ của Pháp ở Algeria, bao gồm cả cuộc đấu tranh giành độc lập kéo dài 8 năm của quốc gia Bắc Phi này.

Mối quan hệ giữa Pháp và Algeria trở nên xấu đi vào năm ngoái, sau khi những phát biểu của ông Macron về lịch sử Algeria dẫn đến rạn nứt ngoại giao. Tháng 9 năm ngoái, Pháp quyết định giảm số thị thực nhập cảnh cấp cho quan chức Algeria. Đáp lại, Algeria triệu hồi Đại sứ nước này tại Pháp và đóng cửa không phận đối với máy bay quân sự Pháp. Sau những tháng khủng hoảng ngoại giao, hai nước quyết định nối lại đối thoại chính trị vào tháng 12 năm ngoái. 

Truyền thông Algeria đánh giá chuyến thăm của ông Macron cho thấy mong muốn của cả hai nước hướng tới mối quan hệ được xây dựng xung quanh "một tầm nhìn mới dựa trên đối xử bình đẳng và cân bằng lợi ích". Chuyến thăm cũng phản ánh sự công nhận vai trò trung tâm của Algeria trong khu vực và sự trở lại của nước này trên trường quốc tế.

Cần biết rằng Algeria sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn, do vậy không lạ gì khi gần đây nước này trở thành trung tâm chú ý của Liên minh châu Âu (EU) cũng như Pháp trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Theo AFP, Algeria là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Phi và lớn thứ 7 trên thế giới. Nước này có trữ lượng khí đốt tự nhiên được đánh giá là gần 2.400 tỷ mét khối và cung cấp khoảng 11% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ ở châu Âu.

Algeria sở hữu mạng lưới đường ống dẫn khí chạy dài từ những cánh đồng rộng lớn ở trung tâm và phía nam đất nước, đưa nhiên liệu đến Iberia và cực nam của Italy. Quốc gia này cũng sở hữu hai nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ở Arzew và Skikda dọc bờ biển Địa Trung Hải. Điều này giúp Algeria dễ dàng vận chuyển LNG bằng tàu chở dầu tới nhiều điểm đến khác ở châu Âu.

Các nước châu Âu đã dành nhiều tháng để tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga và Algeria là một trong những quốc gia mà EU kỳ vọng sẽ giúp họ xóa tan cơn khát năng lượng.

Tuy nhiên, tờ Rai Al Youm chỉ ra rằng phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của Algeria đang cũ dần và nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng. Đây là hai yếu tố đang cản trở quá trình thúc đẩy gia tăng sản lượng của nước này. Bên cạnh đó, Algeria cũng có mối quan hệ bền chặt với Nga. Nước này là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga ở châu Phi sau Ai Cập. Hai quốc gia đã có mối quan hệ bền chặt từ thời Liên Xô. Bởi vậy, một số chuyên gia cho rằng Algeria đang ở tình thế cực kỳ khó khăn khi khó có thể nghiêng hoàn toàn về bên nào trong “cuộc chiến năng lượng” giữa Nga và các quốc gia phương Tây.

LAN HẠ

Tags: Algeria