Siết chặt quản lý các “ông lớn” công nghệ toàn cầu

Hàng loạt “ông lớn” công nghệ (Big Tech) hàng đầu thế giới đang đối mặt rắc rối pháp lý khi các tổ chức quốc tế, các quốc gia siết chặt quy định quản lý nhằm kiểm soát thông qua luật pháp trong nỗ lực giải quyết một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong những năm qua là thông tin sai sự thật, thông tin giả mạo gây ra những hệ lụy khôn lường với các nước, xã hội cũng như mỗi gia đình.

Đạo luật DSA được xem là chưa từng có trong lịch sử nhằm giúp EU kiểm soát chặt hơn các “ông lớn” công nghệ trên nền tảng xuyên biên giới ảnh 1

Đạo luật DSA được xem là chưa từng có trong lịch sử nhằm giúp EU kiểm soát chặt hơn các “ông lớn” công nghệ trên nền tảng xuyên biên giới

Đạo luật “chưa từng có trong lịch sử”

Nguy cơ đối mặt với những rắc rối pháp lý đến với các “ông lớn” công nghệ toàn cầu kể từ ngày 25-8 vừa qua khi Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) chính thức có hiệu lực trên lãnh thổ 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Đạo luật được xem là “chưa từng có trong lịch sử” này áp dụng đối với một loạt các công ty công nghệ, công cụ tìm kiếm, cửa hàng ứng dụng và mạng xã hội lớn ở châu Âu cũng như trên toàn cầu có người dùng tại EU. Đây được xem là một văn bản pháp lý mang tính đột phá nhằm đưa ra các quy định mới bảo đảm những “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook hay Google… phải áp dụng các biện pháp bắt buộc kiểm duyệt nội dung bất hợp pháp, cũng như ngăn chặn phát tán những nội dung độc hại trên mọi nền tảng trực tuyến xuyên biên giới của các Big Tech này.

Đạo luật DSA được hình thành trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số cùng các công ty công nghệ, nền tảng xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ. Điều này đặt ra trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ trong việc hạn chế những mặt trái nảy sinh, xây dựng một môi trường mạng an toàn cho người sử dụng và thúc đẩy cạnh tranh công bằng trên khắp toàn cầu. Vấn đề kiểm soát các “ông lớn” công nghệ, nền tảng xuyên biên giới đã được đặt ra từ lâu khi các tổ chức tội phạm, đặc biệt là các tổ chức khủng bố, cực đoạn lợi dụng để có những hành vi, hoạt động; hay tác hại ngày càng lớn của chúng với giới trẻ… Những vấn đề tin giả nổi lên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là một trong những giọt nước tràn ly đòi hỏi phải có biện pháp hữu hiệu kiểm soát các Big Tech.

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng hoặc gây hiểu lầm xuất hiện tràn lan trên các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi chính phủ các nước trên thế giới đưa ra những biện pháp phù hợp để làm cho không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn. Kể từ năm 2020, các Big Tech toàn cầu liên tục lọt vào tầm ngắm của chính phủ các quốc gia trên thế giới, bởi đại dịch Covid-19 đã cho thấy sức mạnh, tầm ảnh hưởng của các “ông lớn” công nghệ này. Sự lớn mạnh nhanh chóng và những lợi thế nổi trội của các Big Tech khiến tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường công nghệ không được bảo đảm. Cùng với đó, các Big Tech cũng đối mặt không ít chỉ trích về sự quản lý, giám sát lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các nội dung xấu độc, thông tin sai lệch, kích động thù hận, hành vi phạm tội... tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng, đặc biệt trong giai đoạn dịch

Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia ngày càng siết chặt “vòng kim cô” với các hãng công nghệ bằng một loạt quy định quản lý khắt khe nhằm làm trong sạch không gian mạng.

Với mục tiêu tiên phong trong nỗ lực chung trên thế giới nhằm kiểm soát các Big Tech, EU thông qua Đạo luật DSA, còn đưa vào thực thi Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) nhằm đưa ra những khuôn khổ, chế tài pháp lý đối với các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới. Hai đạo luật cùng có hiệu lực kể từ cuối tháng 8-2023 này được kỳ vọng như những “người gác cổng trực tuyến”, giúp giải quyết hàng loạt vấn đề gây nhức nhối lâu nay liên quan các “ông lớn” công nghệ. Thành công trong việc áp dụng các quy định của EU sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng những bộ luật tương tự trên toàn cầu.

Big Tech trước thách thức phải thay đổi

Đạo luật DSA của EU được đánh giá sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu, đồng thời giúp môi trường Internet trở nên an toàn hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người dùng tại khu vực. Theo đó, EU yêu cầu 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt hơn theo Đạo luật DSA, trong đó có AliExpress, Amazon Store, Apple App Store, Bing, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Search, Google Journal… Các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm nằm trong danh sách đều đang có hơn 45 triệu người dùng tại EU mỗi tháng, tương đương khoảng 10% dân số châu Âu.

Đạo luật DSA yêu cầu các Big Tech phải tiến hành quản lý rủi ro, để bên thứ ba độc lập tiến hành kiểm tra và chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu. Theo đạo luật, các dịch vụ truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm lớn phải gỡ bỏ nội dung vi phạm quy định của đạo luật hoặc bị chính phủ các quốc gia châu Âu coi là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các công ty cũng cần cung cấp cho người dùng các công cụ để khiếu nại khi nền tảng đưa ra những quyết định không hợp lý. Đạo luật cũng yêu cầu các “ông lớn” công nghệ, nền tảng trực tuyến phải chia sẻ chi tiết về thuật toán điều hướng nội dung với cơ quan quản lý. Nếu không tuân thủ quy định trong Đạo luật DSA, các công ty công nghệ lớn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6% doanh thu hằng năm trên toàn cầu. Thậm chí, nếu hành vi trên tiếp tục tái diễn nhiều lần, dịch vụ đó có thể bị “cấm cửa” tại châu Âu.

Việc đưa ra Đạo luật DSA với các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn được coi là bước đi quyết liệt của EU trong quản lý các công ty công nghệ, đồng thời thể hiện thái độ không khoan nhượng của khối này trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch. Tờ Nhật báo phố Wall nhận định, đây là cuộc “đại tu” lớn nhất trong cách tiếp cận của phương Tây đối với nội dung trực tuyến. Điều này sẽ tái thiết lập trách nhiệm của các “ông lớn” công nghệ trong thời đại mới. Sau bước đi tiên phong siết chặt kiểm soát các Big Tech của EU, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những động thái tương tự. Chỉ trong một tháng qua, công cụ tìm kiếm trực tuyến có sức ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu là Google đã phải đối mặt nhiều cáo buộc liên quan vấn đề độc quyền. Chính phủ Mỹ mới đây cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các tập đoàn khác để bảo vệ vị thế độc quyền của công ty công nghệ này đối với mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến. Đầu tháng 10 này, đại diện lãnh đạo của Google đã phải trình diện trước tòa án tại Mỹ để giải trình về chiến lược định giá quảng cáo trực tuyến, vốn gây nhiều tranh cãi.

Hàng loạt “ông lớn” công nghệ khác cũng vướng vào những rắc rối pháp lý ở nhiều nơi trên thế giới. Na Uy đã phạt Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram…) khoảng 93.000 USD/ngày trong 3 tháng kể từ ngày 14-8 vừa qua, do vi phạm quyền riêng tư của người dùng khi khai thác dữ liệu của họ dành cho mục đích quảng cáo. Trong khi đó, hãng Apple Inc. đối mặt khoản phạt 20,5 tỷ won với cáo buộc vi phạm Đạo luật Kinh doanh viễn thông ở Hàn Quốc. Microsoft, Amazon bị điều tra về vi phạm luật chống độc quyền... Việc các quốc gia siết chặt quản lý các công ty công nghệ là một xu hướng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ. Big Tech, nền tảng xuyên biên giới rõ ràng cần phải thay đổi nhằm thích nghi, tuân thủ các quy định và luật pháp các quốc gia sở tại nếu không muốn đối mặt với những rắc rối pháp lý và hơn hết là tạo niềm tin ở người dùng về trách nhiệm trong xây dựng không gian mạng an toàn.

Lượt xem: 11
Nguồn:anninhthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan