Mục tiêu kép của Pháp khi thành lập 238 lữ đoàn hiến binh

238 lữ đoàn hiến binh quốc gia của Pháp mới được thành lập ngày 2-10 vừa qua. Đây là một nỗ lực lịch sử của chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm đạt được mục tiêu kép: An ninh “gần nhà bạn” và củng cố mạng lưới an ninh lãnh thổ.

Sự đảo chiều trong chính sách an ninh

Theo trang web của Bộ Nội vụ Pháp, 93 lữ đoàn cố định và 145 lữ đoàn cơ động được thành lập nhằm triển khai ở các khu vực nông thôn hoặc ven đô tại các tỉnh cũng như vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Tổng cộng có 2.144 hiến binh được bổ sung với các lữ đoàn đầu tiên sẽ hoạt động từ cuối năm 2023, đầu năm 2024. “Kể từ khi thành lập lực lượng hiến binh quốc gia năm 1791, chưa bao giờ nước Pháp có nhiều lực lượng mới được thành lập như vậy”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gérald Darmanin nhấn mạnh.

Các lữ đoàn hiến binh mới có nhiệm vụ tăng cường sự hiện diện của cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và ven đô thị; góp phần nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; đáp ứng nhu cầu cụ thể của các vùng lãnh thổ. Ngoài ra, một số lữ đoàn chuyên trách có nhiệm vụ bảo vệ môi trường hoặc chống bạo lực trong gia đình.

Trước đó, Tổng thống Macron từng thừa nhận, xu hướng gia tăng tình trạng tội phạm, bạo lực và các đường dây buôn bán chất cấm diễn ra không chỉ ở đô thị lớn mà đang lan rộng tại cả các địa phương, bao gồm các thành phố vừa và nhỏ. Năm 2022, tỷ lệ tội phạm trung bình tại Pháp là 0,13 trường hợp trên 1.000 dân. Tỷ lệ này đặc biệt cao gấp 3 lần tại các đô thị lớn từ 100.000 đến 200.000 dân.

Trong chuyến thăm Nice hồi tháng 1-2022, Tổng thống Macron đã đề cập việc thành lập 200 lữ đoàn hiến binh mới với hơn 2.000 người. Ông nêu rõ: “Mục đích thành lập các lữ đoàn hiến binh mới nhằm tái thiết mạng lưới lãnh thổ và đưa lực lượng hiến binh cùng các dịch vụ công đến gần hơn với người Pháp, ở mọi nơi trên lãnh thổ”. Đây được coi là sự tăng cường nhân sự an ninh lớn chưa từng có và là sự đảo chiều trong chính sách an ninh nội địa của Pháp. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2016, Pháp đã giải tán khoảng 500 đơn vị hiến binh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khảo sát việc lựa chọn địa điểm hoạt động cho 238 lữ đoàn hiến binh mới. Ảnh: Bộ Nội vụ Pháp 

Việc thành lập các lữ đoàn hiến binh quốc gia được dựa trên Luật về định hướng và chương trình của Bộ Nội vụ (Lopmi) ngày 24-1-2023, theo đó sẽ tuyển dụng 8.500 cảnh sát và hiến binh trong 5 năm, thúc đẩy chuyển đổi số của Bộ Nội vụ, đầu tư trong an ninh mạng, phân chia cảnh sát quốc gia... Tổng kinh phí cho các hoạt động trên đến năm 2027 ước tính khoảng 15 tỷ euro.

Mục tiêu kép

Hiện tại, Pháp có khoảng 3.500 lữ đoàn hiến binh trên toàn lãnh thổ. Với việc bổ sung thêm 238 lữ đoàn mới, nước Pháp sẽ có thêm 2.144 sĩ quan cảnh sát vào năm 2027. Theo kế hoạch, 300 hiến binh sẽ được đào tạo trong năm 2023 và 378 hiến binh khác được đào tạo trong năm 2024.

Nỗ lực lịch sử trên nhằm đáp ứng mục tiêu kép: An ninh “gần nhà bạn”, vốn là mong đợi của người dân để được kết nối thường xuyên với các hiến binh; và củng cố mạng lưới an ninh lãnh thổ. Lực lượng hiến binh mới sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu do Tổng thống Macron đặt ra là tăng gấp đôi sự hiện diện của hiến binh và cảnh sát trên đường phố trong 10 năm tới. “Đó là một khoản đầu tư lịch sử. Cần có sự có mặt của cảnh sát ở ngoài đường phố bởi sự hiện diện của họ sẽ giúp người dân cảm nhận được sự bình an. Dù có những đổi mới về công nghệ nhưng chúng ta không nên giảm bớt sự hiện diện của lực lượng hiến binh cũng như chỉ tập trung ở các thành phố lớn”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.

Việc lựa chọn địa điểm hoạt động cho 238 lữ đoàn này được thực hiện với sự tham vấn của các quan chức thành phố và Sở Nội vụ, cũng như theo yêu cầu hoạt động cụ thể đối với các vùng lãnh thổ khác nhau. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gérald Darmanin cho biết: “Trong số các lữ đoàn này, một số sẽ được chuyên môn hóa. Ví dụ như ở tỉnh Guyane, hai lữ đoàn hiến binh sẽ được thành lập và thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên sông Maroni và Oyapok”.

Nhiều nhà phân tích nhận định, việc bổ sung các lữ đoàn hiến binh và rải đều về các địa phương phù hợp với những chủ trương trong chính sách nhập cư mới của Pháp là muốn đưa người nhập cư về địa phương để giải tỏa bớt áp lực về an ninh, kinh tế và xã hội cho các thành phố lớn.

Tags: Pháp