Phản ứng của các quan chức Mỹ khi FBI bất ngờ khám xét nhà ông Trump

Thông tin FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Donald Trump ở Florida mà không báo trước đã gây bất ngờ cho nhiều quan chức Mỹ.

Nhiều cố vấn của Trump cho biết họ không rõ chính xác lý do lệnh khám xét được đưa ra, nhưng khẳng định rằng Bộ Tư pháp đã hành động quá mức, theo New York Times.

Trong khi đó, ông Trump cho rằng điều này có thể dẫn đến "hành vi sai trái của cơ quan tố tụng" và "việc vũ khí hóa hệ thống tư pháp" để ngăn ông tái tranh cử vào Nhà Trắng vào năm 2024.

Các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Joe Biden cho biết họ rất sửng sốt trước thông tin vụ việc.

Họ nói rằng không được báo trước về hoạt động của FBI, mà chỉ biết cho đến khi đọc được tin tức trên Twitter, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với New York Times.

Một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết họ biết được vụ việc qua tuyên bố của cựu Tổng thống Trump.

Các thành viên mật vụ đứng gác bên ngoài khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Trump nói rằng FBI đã bất ngờ khám xét bất động sản ở Palm Beach, Florida, ngày 8/8. Ảnh: Reuters.

Các thành viên mật vụ đứng gác bên ngoài khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Trump nói rằng FBI đã bất ngờ khám xét bất động sản ở Palm Beach, Florida, ngày 8/8. Ảnh: Reuters.

Đảng viên Cộng hòa hàng đầu tại Hạ viện, Kevin McCarthy ở California, đã cảnh báo Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland sẽ đáp trả về việc khám xét nhà ông Trump.

Ông McCarthy, người đã từ chối trát đòi hầu tòa từ ủy ban Hạ viện điều tra về vụ bạo động ngày 6/1/2021, cam kết sẽ điều tra nếu đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

CBS News và Politico xác nhận hoạt động của FBI có liên quan đến cuộc điều tra về việc xử lý hồ sơ của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, với cáo buộc rằng ông Trump đã đưa các hộp hồ sơ có thể bao gồm thông tin mật ra khỏi Nhà Trắng - vốn không được phép theo luật liên bang - sau khi ông rời nhiệm sở.

Theo New York Times, các quan chức thực thi pháp luật liên bang nhận được lệnh khám xét khi họ cần nhanh chóng điều tra hình sự hoặc lo ngại rằng các tài liệu nhạy cảm mà họ cần có thể có nguy cơ bị di chuyển, che giấu, thay đổi hoặc tiêu hủy.

Cơ quan thực thi pháp luật liên bang có thể yêu cầu lệnh khám xét nếu các quan chức kết luận rằng thông tin, thường là tài liệu hoặc thiết bị điện tử, liên quan đến một cuộc điều tra hình sự có thể được tìm thấy tại nơi ở, cơ sở kinh doanh, ôtô hoặc tài sản khác của một ai đó.

Dù vậy, báo này nhận xét sự kiện trên là "thực sự đáng kinh ngạc" và "đáng chú ý".

Ông Trump, trong suốt nhiệm kỳ của mình, từng nhiều lần bị báo cáo đã xé các tài liệu chính thức, vốn nên được giữ lại và bảo quản các kho lưu trữ tài liệu của tổng thống.

Một người quen thuộc với thói quen của cựu tổng thống nói rằng ông từng xe nhỏ các tài liệu mật trong phòng ngủ và những nơi khác.

Vụ khám xét diễn ra vào sáng 8/8, một người quen thuộc cho biết. Ông Trump tuyên bố các đặc vụ vẫn ở đó nhiều giờ sau đó.

Một người quen thuộc với vụ khám xét cho biết FBI đang cố tìm xem liệu có còn bất kỳ hồ sơ tổng thống nào vẫn còn được ông Trump giữ lại ở khu nghỉ dưỡng hay không.

Luật quản lý việc bảo quản các tài liệu của Nhà Trắng, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, thiếu chặt chẽ, nhưng các đạo luật hình sự có thể có hiệu lực, đặc biệt là trong trường hợp tài liệu được đánh dấu là tài liệu mật.

Bộ luật hình sự cấm bất kỳ ai "cố ý gây tổn hại hoặc thực hiện mọi hành vi phá hoại đối với bất cứ tài sản nào của Mỹ" và bất kỳ ai "cố ý che giấu, xóa bỏ, cắt xén, tiêu hủy hoặc hủy hoại" các tài liệu của chính phủ.

Lượt xem: 41
Tác giả: Hồng Ngọc
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...