Hai tỷ phú giàu nhất châu Á chuẩn bị đối đầu
Sau hơn hai thập kỷ phát triển trong hòa bình, hai người giàu nhất châu Á đang có nguy cơ đối đầu.
Tháng 6 năm nay, tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani và các trợ lý của ông đã có một cuộc tranh luận về thương vụ tiếp theo mà đế chế này hướng đến. Reliance Industry của ông Ambani đang dự tính mua một “gã khổng lồ” viễn thông nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, có thông tin là Gautam Adani - người đã vượt Ambani trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á vài tháng trước đó - đang có kế hoạch đấu giá trong đợt bán sóng 5G lớn đầu tiên ở Ấn Độ.
Reliance Jio Infocomm của tỷ phú Ambani là công ty hàng đầu trong thị trường di động của Ấn Độ. Trong khi Adani Group thậm chí không có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không dây. Tuy nhiên, khả năng Adani bước chân vào lĩnh vực viễn thông vẫn là mối đe dọa lớn với ông chủ Reliance.
Nguồn tin cũng cho biết một số trợ lý đã khuyên tỷ phú Ambani theo đuổi mục tiêu ra nước ngoài và đa dạng hóa ngoài thị trường Ấn Độ. Trong khi một số khác cho rằng nên tiết kiệm ngân sách để sẵn sàng đối mặt với các thách thức trên sân nhà.
Cuối cùng, Ambani – người đang sở hữu khối tài sản gần 90 tỷ USD – quyết định không mua lại công ty nước ngoài nhằm duy trì tiềm lực tài chính trong trường hợp phải cạnh tranh với ông chủ Adani Group. Theo Bloomberg Billionaires Index, Adani là tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất từ đầu năm và hiện có tài sản hơn 118 tỷ USD.
Sau hơn hai thập kỷ phát triển trong hòa bình, hai người giàu nhất châu Á đang có nguy cơ đối đầu khi ông Adani đang tìm cách mở rộng sang các mảng kinh doanh khác.
Những động thái này đang “châm ngòi” cho một cuộc chiến cả ở trong và bên ngoài Ấn Độ, đặc biệt trong thời kỳ các ngành công nghệ kỹ thuật số lên ngôi – vượt ra ngoài các lĩnh vực hàng hóa truyền thống vốn giúp Ambani và Adani xây dựng khối tài sản khổng lồ. Cơ hội nổi lên – từ thương mại điện tử, đến truyền tải và lưu trữ dữ liệu, đã gợi nhớ đến cuộc bùng nổ kinh tế thế kỷ 19 của Mỹ, thúc đẩy sự trỗi dậy của các "triều đại tỷ phú" như Carnegies, Vanderbilts và Rockefellers.
Theo Arun Kejriwal, sáng lập công ty tư vấn đầu tư KRIS ở Mumbai - người đã theo dõi thị trường Ấn Độ và hai tỷ phú trong hai thập kỷ, “Ambani và Adani sẽ hợp tác, cùng tồn tại và cạnh tranh. Và cuối cùng, người mạnh nhất sẽ phát triển”.
Đại diện từ các công ty của Adani và Ambani từ chối bình luận về câu chuyện này.
Trong một tuyên bố vào ngày 9/7, Adani Group khẳng định không tham gia vào lĩnh vực di động tiêu dùng, vốn được thống trị bởi tập đoàn của ông Ambani. Tập đoàn cho biết sẽ sử dụng bất cứ sóng 5G nào mua được tại buổi đấu giá để tạo "giải pháp mạng riêng" và nâng cao an ninh mạng tại sân bay và bến cảng của mình.
Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tỷ phú giàu nhất châu Á cuối cùng sẽ bước chân vào mảng kinh doanh đầy tiềm năng trên.
Sankaran Manikutty, cựu giáo sư tại Học viện Quản lý Ấn Độ ở Ahmedabad, bình luận: “Ngay cả không phải bây giờ thì tôi cũng không đánh giá thấp sự gia nhập có tính toán vào mảng di động tiêu dùng của Adani".
Cuộc chiến giữa 2 tỷ phú là "bậc thầy cạnh tranh"
Trong nhiều thập kỷ, hoạt động kinh doanh của Adani tập trung vào các lĩnh vực như cảng, khai thác than và vận chuyển, những lĩnh vực mà Ambani không để ý đến trong bối cảnh đầu tư lớn vào dầu mỏ. Nhưng trong năm qua, điều đó đã thay đổi đáng kể.
Hồi tháng 3, Adani Group được cho là đang tìm hiểu các mối quan hệ đối tác tiềm năng ở Ả Rập Xê-út, bao gồm khả năng mua cổ phần nhà xuất khẩu dầu khổng lồ Aramco, Bloomberg News đưa tin.
Vài tháng trước đó, Reliance - công ty vốn có doanh thu lớn từ các hoạt động kinh doanh liên quan đến dầu thô - đã hủy bỏ kế hoạch bán 20% cổ phần trong đơn vị năng lượng của mình cho Aramco.
Ông chủ Reliance Industry Mukesh Ambani. Ảnh: Reuters |
Hai tỷ phú cũng có sự trùng lặp đáng kể trong lĩnh vực năng lượng xanh khi mỗi người cam kết đầu tư hơn 70 tỷ USD vào lĩnh vực gắn liền với các ưu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bên cạnh đó, Adani đã bắt đầu báo hiệu những tham vọng sâu sắc trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số, thể thao, bán lẻ, hóa dầu và truyền thông. Reliance của Ambani vốn thống trị hoặc có kế hoạch đầu tư lớn vào các lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực viễn thông, nếu Adani nhắm mục tiêu lớn đến người tiêu dùng, lịch sử cho thấy rằng giá có thể giảm trong giai đoạn đầu của cuộc cạnh tranh. Tuy nhiên, sau đó giá sẽ tăng trở lại nếu các công ty duy trì sự độc quyền trong ngành này.
Khi Ambani thực hiện bước đột phá đầu tiên vào lĩnh vực viễn thông năm 2016, ông đã cung cấp các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu rất rẻ, một động thái táo bạo khiến người tiêu dùng thấy chi phí trên diện rộng giảm xuống, nhưng chúng đang tăng trở lại khi vị tỷ phú củng cố quyền kiểm soát của mình.
Bề ngoài hai người đàn ông có vẻ khá khác nhau. Ambani, 65 tuổi, thừa kế Reliance từ cha ông, trong khi Adani, 60 tuổi, là một doanh nhân tự lập. Nhưng hai tỷ phú này cũng có một số điểm tương đồng đáng chú ý.
Trong quá khứ, cả hai đều được coi là những bậc thầy về cạnh tranh. Họ dẫn dắt các công ty mở rộng thị phần với tốc độ thần tốc và cuối cùng thống trị thị trường. Theo các chuyên gia, doanh nhân, đối tác từng làm việc với ông Ambani và ông Adani, 2 người đều có những kỹ năng triển khai dự án xuất chúng. Họ thường lên kế hoạch chi tiết và kiên định trong việc theo đuổi mục tiêu. Bên cạnh đó, các chiến lược kinh doanh của 2 tỷ phú giàu nhất châu Á đều được điều chỉnh theo những ưu tiên của chính phủ Ấn Độ.