Nỗi lo mới của người Đức

Bên cạnh vấn đề lạm phát đè nặng lên đôi vai lâu nay, người dân Đức còn đang trăn trở về tình hình an ninh của đất nước.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đăng kết quả khảo sát được thực hiện bởi R&V, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất ở Đức, cho thấy, tỷ lệ người dân nước này quan ngại về viễn cảnh chiến tranh gia tăng đáng kể, hơn một năm từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo đó, có tới 63% công dân Đức được hỏi lo rằng nền kinh tế đầu tàu của châu Âu sẽ không thể phòng vệ trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang, tăng 23% kể từ mùa hè năm ngoái. “Chúng tôi hiếm khi nào thấy sự gia tăng lớn như vậy trong các cuộc khảo sát của mình”, Anadolu dẫn lời Giám đốc nghiên cứu của R&V Grischa Brower-Rabinowitsch.

Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận mang tên Fast Griffin tại Lithuania vào tháng 10-2022. Ảnh: AP 

Cũng theo khảo sát, 55% số người được hỏi tin rằng Đức có thể tham gia vào một cuộc chiến, tăng 13% so với năm 2022. Thông cáo báo chí của R&V nhấn mạnh, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine đang “làm lung lay” cảm giác an toàn của người Đức và khẳng định nỗi lo của người dân Đức rằng “nước này có khả năng trở thành một bên tham chiến” chưa bao giờ lớn hơn trong thiên niên kỷ này.

Trước đó, tỷ lệ cao hơn chỉ được ghi nhận trong cuộc thăm dò của Công ty này vào năm 1999, thời điểm xảy ra cuộc chiến tại Kosovo (60%). Được thành lập vào năm 1992 và hiện có hơn 30 triệu khách hàng, R&V thực hiện các cuộc khảo sát hằng năm về những nỗi sợ lớn nhất ở Đức nhằm giúp công ty xây dựng, hoàn thiện sản phẩm để đem lại sự an tâm cho người dân.

Thông tin trên được R&V công bố chỉ ít ngày sau khi AP dẫn lời Ủy viên Quốc hội Đức về LLVT Eva Hoegl nhận xét rằng, quân đội Đức đang “thiếu thốn đủ điều”, thậm chí còn không bằng thời điểm trước khi tình hình căng thẳng tại Ukraine bùng phát; đồng thời đặt dấu hỏi về việc sử dụng quỹ đặc biệt với ngân sách 100 tỷ euro mà Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz công bố vào năm ngoái để hiện đại hóa LLVT. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khẳng định các nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình mua sắm trang thiết bị, trong đó, khoảng 30 tỷ euro từ quỹ trên đã được phân bổ, bao gồm thỏa thuận mua 35 máy bay F-35 của Mỹ để thay thế phi đội Tornado trong giai đoạn 2025-2030.

Những lo lắng của người dân Đức về khả năng phòng vệ của nước này nếu xảy ra chiến tranh hoàn toàn có cơ sở. Theo tờ Bild am Sonntag, trong bài phát biểu vào đầu tháng 3 này, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius từng thừa nhận, quân đội Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu khí tài quân sự và nhân lực, cũng như sẽ gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước kịch bản một cuộc tấn công nhằm vào Đức. Đơn cử, Chủ tịch Hiệp hội LLVT Liên bang Đức Andre Wustner tiết lộ rằng, chỉ 30% số xe tăng Leopard 2 của quân đội nước này đáp ứng đủ điều kiện trong chiến đấu. Trong khi đó, Đức đã viện trợ nhiều khí tài, đạn dược cho Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kho dự trữ quân sự của nước này ngày càng cạn kiệt.

Không chỉ vậy, nhiều người Đức cũng muốn áp dụng lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vốn đã bị đình chỉ từ năm 2011. Dựa vào kết quả khảo sát 1.000 cử tri do Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos MORI có trụ sở tại Paris (Pháp) thực hiện mới đây, tờ DW cho hay, 61% người được hỏi ủng hộ tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, với 43% trong số đó tin rằng nghĩa vụ bắt buộc nên áp dụng cho mọi giới tính. Đức không bãi bỏ hoàn toàn các quy định về nghĩa vụ quân sự bắt buộc mà chỉ “đóng băng” vô thời hạn cho đến thời điểm khẩn cấp như chiến tranh xảy ra.

Tags: an ninh
Lượt xem: 11
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...