Nghịch lý nhập khẩu của Mỹ từ Nga tăng mạnh bất chấp trừng phạt
Nhập khẩu của Mỹ từ Nga tiếp tục tăng, đạt tới hàng trăm triệu USD, theo báo cáo thương mại mới nhất.
Nhập khẩu của Mỹ từ Nga đạt 522,1 triệu USD trong tháng 8, tăng 7,7% so với tháng 7. Ảnh: Getty
Theo báo cáo thương mại của Cục Thống kê Dân số Mỹ ngày 5.10, nhập khẩu của Mỹ từ Nga đạt 522,1 triệu USD trong tháng 8, cao hơn 7,7% so với tổng số 484,8 triệu USD của tháng 7, và đánh dấu mức tăng hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 4.
Sự tăng trưởng này diễn ra bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ giáng đòn mạnh vào Nga bằng các hạn chế đối với thương mại hàng hóa.
Theo các nhà phân tích, Washington tiếp tục được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt Nga. Trong khi gây sức ép buộc EU từ bỏ nguồn cung từ Nga, Mỹ vẫn tiếp tục mua hàng trăm loại hàng hóa không nằm trong diện bị trừng phạt.
"Có một thỏa thuận ngầm giữa chính phủ Mỹ và doanh nghiệp rằng chính phủ cứ tuyên bố trừng phạt, còn doanh nghiệp cứ giao dịch với Nga nếu điều đó phù hợp. Lời nói của họ không đi đôi với hành động" - RT dẫn lời ông Aleksandr Razuvaev, thành viên của hội đồng giám sát tại Hiệp hội các nhà phân tích tài chính của Mátxcơva, phát biểu với báo giới hôm 5/10.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Dân số Mỹ, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Nga giảm 19% xuống 66,8 triệu USD trong tháng 8, từ mức 82,5 triệu USD trong tháng 7. Trong tháng 6, Nga nhập khẩu hàng hóa trị giá 58 triệu USD, giảm so với 77,4 triệu USD trong tháng 5 và 89,1 triệu USD trong tháng 4.
Dữ liệu cho thấy tổng cộng từ tháng 1 đến tháng 8, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ Nga trị giá 12,1 tỉ USD, trong khi xuất khẩu chỉ ở mức 1,3 tỉ USD.
Trước đó, Reuters tổng hợp cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên Hợp Quốc cho thấy, nhập khẩu của Mỹ và EU đối với các sản phẩm kim loại cơ bản chính của Nga là nhôm và niken trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 đã tăng tới 70%, đạt 1,98 tỉ USD.
Phương Tây áp đặt nhiều lần các biện pháp trừng phạt đối với nhiều loại sản phẩm, con người và tổ chức của Nga, nhưng phần lớn không trừng phạt lĩnh vực kim loại công nghiệp.
Các nhà phân tích cho biết Mỹ và Châu Âu đã rút ra bài học sau sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực xây dựng, ôtô và năng lượng do các lệnh trừng phạt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nhôm của Nga năm 2018. Các lệnh trừng phạt này đã được dỡ bỏ một năm sau đó.
Xưởng niken thuộc Công ty Nornickel của Nga ở Monchegorsk, vùng Murmansk. Ảnh: AFP
Giá nhôm và niken đã tăng lên mức cao kỷ lục ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24/2 do lo ngại rằng các lệnh trừng phạt hoặc hậu cần khó khăn sẽ cản trở vận chuyển hàng.
Nhưng những lo ngại đó là không có cơ sở, vì dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nga trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 tương đối mạnh.
Carsten Menke - nhà phân tích của Julius Baer - cho biết, các cơ chế thị trường đang hoạt động hiệu quả bởi vấn đề chủ yếu là giá cả.
Rusal của Nga là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc và chiếm khoảng 6% sản lượng ước tính của thế giới.
Nhập khẩu nhôm Nga hàng tháng của Mỹ đạt trung bình 23.049 tấn trong tháng 3 đến tháng 6, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tom Price, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum, cho biết, đối với người Mỹ, điều rất quan trọng là họ phải có được càng nhiều nguồn nhôm khác nhau càng tốt. Mỹ không muốn mua bất kỳ kim loại nào từ Trung Quốc - nơi xuất khẩu đang giảm - vì vậy nhôm của Nga rất quan trọng. Nhìn chung, các chuyến hàng tương đối ổn định.
Về niken, Nga chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu và công ty Nornickel của Nga sản xuất khoảng 15-20% pin niken trên thế giới.
Nhập khẩu niken từ Nga của ba điểm đến hàng đầu trong tháng 3 đến tháng 6 đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ có mức tăng lớn nhất, tăng 70% so với năm ngoái.