Nga sẽ đáp trả lệnh áp giá trần dầu thô thế nào?

Trong một động thái cho thấy Nga đang chuẩn bị tung ra các đòn trả đũa việc các nước phương Tây áp mức giá trần 60USD/thùng đối với dầu xuất khẩu của Nga, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu.

Theo Bloomberg, trên kênh truyền hình Rossiya 24 hôm 9-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quyết định về phản ứng của Moscow trước trần giá mà các nước G7 áp lên dầu thô nước này sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới. Nhà lãnh đạo Nga nói: “Tôi không nói rằng đây chính là quyết định, nhưng nếu cần thiết, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc giảm sản xuất”. Ông cũng một lần nữa nhắc lại Nga sẽ không bán dầu cho những nước tham gia cơ chế áp giá trần của các nước G7.

Tàu chở dầu thô RN Polaris trên vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka (Nga). Ảnh: Reuters 

Trước khi Tổng thống Nga đưa ra cảnh báo nói trên sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á-Âu tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, đã có những thông tin cho thấy Moscow đang chuẩn bị có các phản ứng chính thức trước việc phương Tây áp giá trần đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Theo Reuters, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow đang soạn thảo một cơ chế đặc biệt áp dụng cho các nước tham gia cơ chế áp giá trần đối với dầu Nga. Theo RT, Điện Kremlin được cho là đang chuẩn bị một sắc lệnh cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu của Nga bán cho những nước tham gia cơ chế áp giá trần. Còn hãng tin Bloomberg dẫn nguồn hai quan chức Nga giấu tên tiết lộ nhiều khả năng, Moscow đang xem xét áp giá sàn cho dầu bán ra thị trường quốc tế. Cụ thể, Moscow đang xem xét áp đặt một mức giá cho các thùng dầu hoặc ban bố mức giảm giá dầu Nga tối đa so với giá tiêu chuẩn quốc tế. Mức giảm giá sẽ được điều chỉnh thường xuyên và dựa trên tình hình năng lượng toàn cầu. Qua đó, Moscow muốn đặt mục tiêu cung cấp một cơ chế định giá minh bạch cho người mua dầu Nga, tuân thủ theo quy luật thị trường để chống lại giá trần của phương Tây. Ngoài ra, Moscow cũng đang cố gắng để không làm mất lòng các quốc gia trung lập mua dầu của mình.

Ngoài các biện pháp nêu trên, theo Financial Times, Nga có thể thành lập các công ty cung cấp bảo hiểm của riêng mình để thay thế cho dịch vụ này của các nước phương Tây. Nga cũng có thể mở rộng đội tàu chở dầu để tăng năng lực vận chuyển và bán lượng dầu không bán được ở châu Âu cho các quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vốn không bị ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo Sputnik, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đồng loạt đưa tin về việc Nga yêu cầu mua thêm 100 tàu. Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Nga (RNRC) và IPJSC Ingosstrakh được cho là sẽ trở thành những nhà bảo hiểm chính cho các hãng vận tải dầu của Nga.

Cơ chế áp giá trần mà các nước G7 đưa ra đối với dầu Nga được cho là đòn trừng phạt lớn nhất của phương Tây với Nga đã có hiệu lực ngày 5-12. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu gần như toàn bộ dầu Nga bằng đường biển. Dầu mỏ của Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU. G7 cũng quy định việc người mua muốn tiếp cận các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận chuyển mà phương Tây cung cấp sẽ phải mua dầu Nga với giá thấp hơn 60USD/thùng. Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7 nên mức trần này có thể khiến Nga khó bán dầu với giá cao hơn.

Nga chuẩn bị các biện pháp né lệnh trừng phạt mới và trả đũa lệnh áp giá trần trong bối cảnh Moscow khá bình tĩnh trước những tác động cũng như ảnh hưởng của những động thái này đối với nền kinh tế Nga. Đến nay, Nga vẫn khẳng định tác động của việc áp giá trần đến sản xuất dầu của nước này sẽ rất hạn chế. Tổng thống Putin khẳng định giá trần sẽ không có tác động tiêu cực lên nguồn thu của Nga, do giá trần 60USD/thùng của phương Tây “tương đương giá dầu Nga bán hiện tại” nên vấn đề ngân sách không đáng lo.

Trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây đang trở nên phức tạp, điều được quan tâm hơn cả lúc này vẫn là tác động của các biện pháp mà hai bên áp dụng đối với thị trường dầu toàn cầu sẽ như thế nào trong thời gian tới. 

Tags: Nga
Lượt xem: 23
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết