Mỹ giảm mạnh nhập khẩu mặt hàng quan trọng từ Nga và Trung Quốc

Vào tháng 6, Mỹ đã cắt giảm mua uranium và ngừng nhập khẩu mặt hàng này từ Nga và Trung Quốc.

Hãng RIA Novosti thông báo sau khi nghiên cứu dữ liệu từ cơ quan thống kê Mỹ cho hay, gần đây Mỹ đã giảm gần 3 lần nhập khẩu uranium, đồng thời đình chỉ mua mặt hàng này từ Nga, Trung Quốc và Kazakhstan.

Vào cuối tháng 6, khối lượng nhập khẩu uranium đã làm giàu của Mỹ lên tới 367,1 triệu USD, con số này ít hơn 2,7 lần so với tháng 5. Tuy nhiên, Mỹ được cho đã mua nhiều uranium nhất từ ​​Pháp vào tháng 6 chiếm 2/3 tổng nguồn cung, tương đương 243,3 triệu USD so với 245,4 triệu USD một tháng trước.

Uranium cũng được nhập khẩu từ Hà Lan với giá trị 78,9 triệu USD so với 63,3 triệu USD trong tháng 5. Nhập khẩu từ Đức trong tháng giảm 2,3 lần xuống còn 42,1 triệu USD và từ Bỉ tăng nhẹ lên 2,8 triệu USD.

Mỹ giảm mạnh nhập khẩu mặt hàng quan trọng từ Nga và Trung Quốc
Vào tháng 6, Mỹ đã cắt giảm mua uranium và ngừng nhập khẩu mặt hàng này từ Nga và Trung Quốc. Ảnh: AP

Nhập khẩu uranium của Mỹ giảm gấp 3 lần không chỉ do lượng mua hàng từ một số đối tác giảm mà còn không có đợt giao hàng nào từ Trung Quốc, Kazakhstan và Nga trong tháng 6. Vào tháng 5, Trung Quốc đã xuất khẩu uranium đã làm giàu sang Mỹ với trị giá 323,6 triệu USD, trong khi Nga là 209,5 triệu USD và Kazakhstan là 8 triệu USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã ký luật cấm nhập khẩu uranium được làm giàu từ Nga. Đạo luật được Tổng thống Biden ký ban hành vào ngày 13/5 sẽ cấm hoàn toàn nhập khẩu uranium được làm giàu từ Nga sau 90 ngày. Động thái cũng kích hoạt gói chi tiêu 2,7 tỷ USD cho nỗ lực thiết lập nguồn cung uranium nội địa cho các nhà máy điện hạt nhân Mỹ.

Tuy nhiên, theo đạo luật, Bộ Năng lượng Mỹ có thể cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu uranium từ Nga cho đến năm 2028 nếu họ chưa tìm được nguồn cung thay thế hoặc trong trường hợp vì lợi ích quốc gia.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, Nga là bên cung cấp khoảng 25% lượng uranium sử dụng cho các lò phản ứng ở Mỹ, giá trị khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Sau khi căng thẳng Nga - Mỹ leo thang liên quan chiến sự ở Ukraine năm 2022, Washington lo ngại Moscow có thể dừng xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân để đáp trả.

Được biết, Mỹ có trữ lượng uranium riêng nhưng không đủ để cung cấp cho ngành điện hạt nhân của nước này. Trong khi Nga lại có tổ hợp làm giàu uranium lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa công suất toàn cầu.

Theo ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư để phá vỡ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu uranium của Nga dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, điện hạt nhân đóng góp gần 20% lượng điện năng được tạo ra ở nước này.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phụ thuộc vào uranium được làm giàu của Nga cho hơn 50% nhu cầu sử dụng trong nước, bao gồm một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số nước đồng minh của Ukraine.

 
Lượt xem: 3
Tác giả: Thanh Bình