Mỹ cấm các công ty công nghệ xây dựng cơ sở mới ở Trung Quốc trong 10 năm

E&T dẫn phát biểu của các quan chức chính quyền Joe Biden cho biết, các công ty công nghệ Mỹ, nhận nguồn tài trợ Liên bang không được phép xây dựng các cơ sở “công nghệ tiên tiến” ở Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Hướng dẫn này được công bố như một phần trong kế hoạch trị giá 50 tỷ đô la Mỹ (43 tỷ bảng Anh) của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Thông tin này là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến tranh công nghệ kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh. Các công ty Mỹ yêu cầu chính phủ hỗ trợ nhiều hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào những linh kiện sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc.

Là một phần của nỗ lực đa dạng hóa công nghệ nhằm phá bỏ ưu thế sản xuất của Trung Quốc. Tháng 8/2022, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Khoa học và Thiết bị chip (Chips), cung cấp 52 tỉ USD để khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước, cũng như nghiên cứu và phát triển các dự án liên quan.

Ngày 9/8, tổng thống Joe Biden ký dự luật CHIPS nhằm tăng cường khả năng sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, cung cấp gói ngân sách 52,7 tỉ USD để tăng sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện các rào chắn để đảm bảo những cơ sở nhận được nguồn ngân sách CHIPS không thể xâm phạm đến an ninh quốc gia. Các doanh nghiệp không được phép sử dụng số tiền này để đầu tư vào Trung Quốc, không được phát triển các công nghệ tiên tiến hàng đầu ở Trung Quốc trong thời gian mười năm”.

Lệnh cấm xây dựng các nhà máy công nghệ mới ở Trung Quốc được đưa ra một tuần sau khi nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ cho biết, Bộ Thương mại Mỹ thông báo ngừng xuất khẩu một số công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty sang Trung Quốc, do có những tiềm năng rủi ro về việc các sản phẩm được sử dụng trong các mục đích gây tổn hại cho lợi ích Mỹ hoặc chuyển hướng sang “mục tiêu quân sự”.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết hy vọng sẽ có các đơn xin tài trợ cho những cơ sở sản xuất mới vào tháng 2/2023 và cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip từ năm 2023.

Bà Raimondo nhấn mạnh, nguồn ngân sách này nhằm giúp các công ty tối đa hóa quy mô dự án sản xuất. Mỹ cần thúc đẩy các công ty phát triển mạnh hơn với quy mô lớn hơn. Bộ thương mại sẽ đàm phán từng giao dịch với các doanh nghiệp, các công ty nhận tiền từ chính phủ sẽ cần phải chứng minh số tiền là hoàn toàn cần thiết để thực hiện các khoản đầu tư.

Mỹ hiện sản xuất khoảng 10% nguồn cung cấp chất bán dẫn toàn cầu, vật liệu then chốt cho xã hội hiện đại, từ ô tô đến điện thoại di động, giảm gần 40% so với năm 1990. Trung Quốc chiếm hơn 5% thị phần chất bán dẫn toàn cầu, Đài Loan là nhà sản xuất chính của công nghệ. Đảo hiện đang sản xuất 65% chất bán dẫn trên thế giới và gần 90% chip tiên tiến.

Đạo luật Chips được hiểu là một phản ứng trực tiếp đối với tình trạng thiếu chất bán dẫn, khiến các công ty như Ford, Jaguar Land Rover, Volkswagen, General Motors, Nissan, Daimler, BMW, Renault và Toyota phải đóng cửa một số nhà máy, giảm quy mô sản xuất hoặc loại trừ các tính năng cao cấp như hệ thống định vị vệ tinh tích hợp.

Theo hướng dẫn mới, các công ty nhận được tài trợ từ CHIPS sẽ chỉ có thể mở rộng các nhà máy sản xuất đã hoàn thiện để phục vụ thị trường Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản đối dự luật bán dẫn, gọi đây là hành động gợi nhớ đến “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Đầu năm 2022, Bà Raimondo cảnh báo, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023 và có lẽ còn lâu hơn nữa do ngành sản xuất vẫn đang phải cố gắng thúc đẩy các hoạt động đầu tư để đáp ứng nhu cầu thế giới.

Lượt xem: 69
Tác giả: Theo Thái Bằng
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...