Kinh tế châu Âu ra sao nếu Nord Stream 1 không khởi động lại?
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nga đã thông báo tiến hành bảo trì thường niên đường ống này từ ngày 11 đến 21/7.
Trên Wall Street Journal, các nhà kinh tế dự báo, nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga không được nối lại sau khi đường ống Nord Stream 1 hoàn tất bảo trì, tình hình kinh tế của liên minh châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Số liệu do cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu công bố hôm 13/7 cho biết, sản lượng công nghiệp của khối trong tháng 5 cao hơn 0,8% so với tháng 4. Tuy nhiên, sản lượng giảm ở Pháp, Italy, Tây Ban Nha và chỉ cao hơn một chút ở Đức.
Ngược lại, sản lượng của Ireland tăng 13,9%, nhờ vào gia tăng sản lượng từ các nhà máy của Mỹ tại đây, vốn chiếm 5,1% tổng sản lượng công nghiệp của khu vực đồng euro. Nếu không tính Ireland, sản lượng của khu vực đồng euro đã đình trệ.
Theo tạp chí World Pipelines (Anh), dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt 59,09%. Nếu Nord Stream 1 hoạt động trở lại 100% công suất sau bảo trì, châu Âu dự kiến đạt mục tiêu lấp đầy 80% công suất vào ngày 1/11.
Nếu hệ thống này vẫn bơm lại khí đốt nhưng công suất thấp, ở mức 67 triệu m3 mỗi ngày trong suốt thời gian còn lại của năm, châu Âu đạt được mức lưu trữ 72% vào cuối tháng 10, thay vì 80% như mục tiêu.
Trường hợp xấu nhất là Nord Stream 1 ngừng xuất khẩu hoàn toàn sau đợt bảo trì vào ngày 21/7, mức dự trữ của EU sẽ chỉ đạt khoảng 65% trước mùa đông, tạo ra nguy cơ thực sự rằng châu lục này có thể hết khí đốt trong mùa sưởi ấm, đẩy giá khí đốt tiếp tục tăng vọt.
Một trạm tiếp nhận khí đốt từ Nord Stream 1 tại Đức. Ảnh: DPA
Nếu có tác động tức thời - tức Nord Stream 1 không bơm khí đột lại ngay sau bảo trì, UBS ước tính rằng sản lượng kinh tế khu vực đồng euro sẽ giảm 8,3% trong quý III và 7% trong quý IV. Đà giảm còn duy trì sang năm, với mức 0,9% trong quý I và tăng trưởng trở lại sau đó.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua Biển Baltic và bản thân Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - được cho là tổn thất hàng đầu.
Ngân hàng trung ương của Đức ước tính nếu viễn cảnh dòng khí từ Nord Stream 1 không trở lại, việc phân bổ khí đốt sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro giảm 3,25% từ quý III năm nay đến quý II/2023.
Một số ước tính khác cho thấy tổn thất lớn hơn, tùy thuộc vào quy mô của sự thiếu hụt nhiên liệu với các nhà máy. Nghiên cứu chung gần đây của các viện kinh tế hàng đầu nước Đức dự báo mức giảm sẽ vào khoảng 9,9% hoặc ít nhất là 1,6%, tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt khí đốt giả định.
Để giảm tiêu dùng khí đốt hộ gia đình, các viện kinh tế Đức khuyến nghị chính phủ cho phép tăng giá khí đốt theo thị trường thế giới. Tiêu thụ năng lượng đang thấp trong những tháng mùa hè dù một số gia đình dùng điều hòa. Nhưng nhu cầu sẽ cấp bách hơn trong mùa đông sắp tới.
Theo JPMorgan, các nhà máy tiêu thụ 36% lượng khí đốt ở Đức trong năm 2021 được sử dụng bởi các nhà máy, trong khi các gia đình dùng 31%. Khoảng một nửa lượng khí đốt đó đến từ Nga, mặc dù tỷ lệ đã giảm xuống còn khoảng 35% trong 4 tháng đầu năm.
Thời điểm các nhà máy ở Đức bị tác động bởi thiếu hụt khí đốt là không chắc, mặc dù nó có thể đến sớm nhất là vào ngày 22/7, khi công việc bảo trì của Nord Stream 1 sắp hoàn thành và Nga không mở lại van.
"Việc dòng chảy khí đốt không khôi phục ngay sau khi công việc bảo trì hoàn tất sẽ gây ra phản ứng chính sách ở Đức, với một số biện pháp phòng ngừa", các chuyên gia JPMorgan nhận định.
Một "mô hình đấu giá khí đốt" nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp tiết kiệm khí đốt sẽ được Đức đưa ra vào cuối mùa hè này. Kế hoạch là sẽ thưởng cho các công ty giảm tiêu thụ khí đốt tại các nhà máy, thông qua các cuộc đấu giá khí thặng dư, nơi nhà máy nhận thưởng cho phần thặng dư chưa tích lũy của họ.
Với nước Anh, không còn thuộc EU và chỉ mua một phần nhỏ khí đốt từ Nga, nhưng cũng không thoát khỏi tác động. Các chuyên gia cho rằng, giá khí đốt dâng cao trên khắp châu Âu có thể sẽ gây thêm những khó khăn vốn đã làm nền kinh tế nước này chậm lại. Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố hôm 13/7 cho GDP tháng 5 tăng 0,5% so với tháng 4.
Tuy nhiên, điều đó phần lớn nhờ mở cửa trở lại các dịch vụ y tế do nhà nước quản lý. Ngược lại, ONS cho biết sản lượng của 6 trong số 12 ngành dịch vụ tiêu dùng đã giảm trong tháng 5, với thể thao và giải trí có mức giảm lớn nhất.
Arthur Hodson là một huấn luyện viên thể thao đến ở Liverpool. Anh cho biết thu nhập hiện chỉ đủ trả các hóa đơn. "Những thứ chính phải chi tiêu cho sinh hoạt gia đình là khí đốt, nước và thực phẩm. Mọi thứ đều như hàng xa xỉ", anh nói.
Giá năng lượng tăng mạnh có khả năng là lực cản kéo dài tăng trưởng, đặc biệt là vì các nhà cung cấp năng lượng dự kiến tăng giá. Hãng bán lẻ British Retail Consortium hôm 12/7 cho biết doanh số bán hàng trong tháng 6 đã thấp hơn so với cùng kỳ 2021.
"Khối lượng bán hàng đang giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát, khi lạm phát tiếp tục gia tăng và các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu," Helen Dickinson, Giám đốc điều hành của BRC cho biết. Theo ông, người dùng đã hạn chế mua hàng tùy hứng, đặc biệt là với đồ gia dụng.
Theo Euronews, an ninh năng lượng đã trở thành một mối nguy hiểm hiện hữu với châu Âu. Mối đe dọa về việc cắt giảm toàn bộ năng lượng của Nga gần như chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái sâu trên toàn châu lục, buộc một số chính phủ phải chọn giải pháp phân bổ khí đốt theo các thứ tự ưu tiên.
Mặc dù Ủy ban châu Âu cho đến nay đã tránh đưa ra bất kỳ dự báo rõ ràng nào về một cuộc suy thoái sắp xảy ra, các nhà đầu tư đã giả định khả năng này là có thật. Dấu hiệu trước mắt là đồng euro ngang giá USD lần đầu tiên trong 20 năm. Các nhà phân tích không loại trừ việc giá trị của đồng tiền chung này sẽ tiếp tục giảm.