Tại sao chính phủ Hàn Quốc khuyến nghị Samsung, Huyndai hạn chế tăng lương?
Samsung và hàng loạt tập đoàn lớn tại Hàn Quốc đã tăng lương trước áp lực lạm phát, nhưng điều này khiến chính phủ không vui.
Theo tờ Korea Joongang Daily (KJD), mức lương nhân viên văn phòng ở nhiều công ty lớn tại Hàn Quốc đã được nâng trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút lao động ngày một nóng lên. Việc giới trẻ Hàn Quốc ngày càng đặt nặng ưu tiên kiếm tiền lên trên hết khiến tiền lương trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Cụ thể, những tập đoàn về công nghệ, chất bán dẫn, ắc quy hay ô tô là những nơi tăng lương mạnh nhất. Số liệu của Viện nghiên cứu chính sách Hàn Quốc (KERI) cho thấy mức lương của 100 công ty hàng đầu nước này đã tăng 9,1%.
Lạm phát tại Hàn Quốc lên cao nhất 24 năm
Trong đó, những tên tuổi lớn như Samsung tăng lương tới 9% trong tháng 5/2022, mức tăng mạnh nhất 10 năm qua. Hãng LG Electronics thì tăng 8,2%, Kakao tăng 15% còn Naver là 10%.
Một nguyên nhân nữa khiến các tập đoàn tăng lương là tình trạng thiếu nhân lực khi nền kinh tế mở cửa trở lại, qua đó gia tăng sự cạnh tranh lao động giữa các công ty.
Số liệu của Bộ lao động và thống kê Hàn Quốc (MELS) cho thấy số lao động được tuyển mới vào tháng 5/2022 đã tăng 0,9 triệu so với cùng kỳ năm trước, lên 28,4 triệu người. Tỷ lệ thấy nghiệp cũng chỉ ở mức 3% với số người không có việc làm giảm 259.000 người so với cùng kỳ năm trước. Con số này được các chuyên gia đánh giá là cũng tương đương với trạng thái "Toàn dụng lao động" (Full Employment).
Vòng tròn luẩn quẩn
Tờ Nikkei Asian Review cho biết đà tăng lương của các tập đoàn lớn nhiều khả năng không theo kịp đà lạm phát. Trong tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hàn Quốc đã lên đến 6%, mức cao nhất 24 năm qua với lạm phát diễn ra trên diện rộng ở khắp các lĩnh vực.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi lao động ở nhiều công ty như Huyndai Motor đã biểu tình đòi tăng lương sau khi không đạt được kết quả đàm phán với lãnh đạo tập đoàn.
Trên thực tế, không riêng gì Hàn Quốc, nhiều nước Châu Á cũng đau đầu với đà tăng lạm phát. Tại Philippines, chỉ số CPI tháng 6/2022 đạt 6,1%, mức cao nhất trong gần 4 năm qua.
Với lý do trên, Công đoàn Hàn Quốc đã đề nghị mức tăng lương bình quân 8,5-10% trong năm nay nhằm chống lại lạm phát cao nhất 24 năm qua. Tuy nhiên, việc các công ty tăng lương sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, làm giá cả hàng hóa đi lên và tạo thành một vòng luẩn quẩn.
"Việc Công đoàn đòi tăng lương là điều dễ hiểu khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh vì lạm phát. Tuy nhiên động thái này sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn. Với những bài học từ cuộc đại khủng hoảng 1970, mọi người cần hiểu rằng lạm phát rồi cũng sẽ phải đi xuống và việc tăng lương chẳng khác nào uống thuốc độc giải khát", giáo sư Shin In Seok của trường đại học Chung Ang University cảnh báo.
Nhiều tập đoàn lớn tại Hàn Quốc tăng lương
Đồng quan điểm, giáo sư Christopher Pissarides của trường đại học London School of Economics từng đoạt giải Nobel kinh tế nhận định việc tăng lương không kiểm soát sẽ chỉ thúc đẩy lạm phát đi lên và sẽ khiến công cuộc hạ giá cả hàng hóa trở nên khó khăn hơn mà thôi.
Trong báo cáo tháng 5/2022, phía Ngân hàng trung ương hàn Quốc (BoK) cũng chỉ ra rằng trong thời buổi lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi chi phí nhân công, khiến đà tăng giá mạnh hơn nữa.
Bất bình đẳng
Một hậu quả nữa có thể xảy ra với việc tăng lương là bất bình đẳng xã hội. Sự chênh lệch về mức độ tăng lương giữa các công ty lớn và nhỏ trong bối cảnh lạm phát sẽ làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo. Số liệu thống kê cho thấy mức tăng lương bình quân của lao động toàn thời gian năm 2021 tại Hàn Quốc vào khoảng 4,6%, chỉ bằng một nửa so với những tập đoàn lớn.
Tính đến tháng 1/2022, mức lương bình quân của nhân viên các tập đoàn lớn vào khoảng 9,2 triệu Won/tháng, cao hơn gấp đôi so với chỉ 3,8 triệu Won/tháng của lao động công ty thường.
Tờ KJD nhận định các nhân viên công ty nhỏ và vừa mới là tầng lớp lao động dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao do mức lương không theo kịp đà tăng giá. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chẳng thể tăng lương cho nhân viên dù chi phí sinh hoạt đi lên.
Khảo sát của Saramin cho thấy 31,4% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc không có kế hoạch nâng lương trong năm nay và thậm chí còn muốn cắt giảm chi phí nhân sự hơn nữa.
"Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ chịu gánh nặng lớn nếu các công ty nâng lương bừa bãi bất kể năng suất bởi chúng sẽ thúc đẩy lạm phát và dẫn đến sa thải lao động để cắt giảm chi phí", giáo sư Sung Tae Yoon của trường đại học Yonsei University nhận định.
Đồng quan điểm, giáo sư Cho Dong Chul của Viện phát triển chính sách công Hàn Quốc (KDISPPM) cho biết mọi người đều muốn chống lạm phát mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng trong thực tại thì điều này rất khó làm được.
Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến nghị các công ty lớn hạn chế đà tăng lương, tuy nhiên tờ KJD nhận định các tập đoàn vẫn sẽ làm theo ý mình để giữ chân người lao động trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.
*Nguồn: Korea Joongang Daily, Nikkei Asian Review