Mỹ ngạc nhiên trước quyết định rút khỏi ISS của Nga

Washington cho biết họ đã "ngạc nhiên" và không được Moscow báo trước về quyết định rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), trong khi NASA nói không nhận được thông báo từ đối tác.

"Đây là điều không may, dựa trên tầm quan trọng của các công trình khoa học tại ISS, sự hợp tác chuyên nghiệp, có giá trị giữa các cơ quan vũ trụ của chúng tôi trong những năm qua", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hôm 26/7, AFP đưa tin.

"Tôi hiểu rằng chúng tôi đã ngạc nhiên trước tuyên bố công khai (của Nga)", ông Price trả lời phóng viên sau khi Moscow thông báo sẽ rút khỏi ISS sau năm 2024.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Peters nói rằng Nga "đã không thông báo chính thức với Mỹ về ý định rút khỏi ISS".

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson nói rằng cơ quan này "chưa nhận được quyết định từ bất kỳ đối tác nào". Ông nói thêm các bên vẫn đang làm việc để đảm bảo hiện diện trong không gian, tại quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Giám đốc phụ trách về ISS tại NASA Robyn Gatens nói rằng bà không muốn hợp tác không gian giữa Mỹ và Nga chấm dứt.

"Chúng tôi đều là những đối tác tốt, và chúng tôi muốn tiếp tục cùng nhau vận hành trạm vũ trụ trong nhiều thập kỷ", bà nói.

nga rut khoi iss anh 1

Các phi hành gia làm việc bên ngoài ISS năm 2006. Ảnh: National Geographic.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/7, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) Yury Borisov cho biết Moscow sẽ không tham gia vào hoạt động của ISS sau năm 2024.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với đối tác, nhưng đã quyết định rút khỏi dự án này sau năm 2024", TASS dẫn lời ông Borisov.

"Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, chúng tôi sẽ bắt đầu lắp đặt một trạm vũ trụ của Nga", ông nói thêm, gọi đây là" ưu tiên "chính của chương trình không gian.

Sau thông báo từ giám đốc Roscosmos, ông Putin đã phản hồi: "Tốt", Điện Kremlin cho hay.

Đưa được vào hoạt động từ năm 1998, ISS cho đến nay là một trong những sự hợp tác chặt chẽ hiếm hoi giữa Mỹ và Nga. Ngoài ra, Canada, Nhật Bản và 11 nước châu Âu cũng tham gia vào hoạt động của trạm vũ trụ này.

Số phận của trạm vũ trụ này sau năm 2024 vẫn chưa rõ ràng. Trước đó, vào cuối tháng 4, cựu Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết Moscow sẽ rút khỏi ISS do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này liên quan tới xung đột tại Ukraine.

Lượt xem: 56
Tác giả: Trần Hoàng
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...