EU - Mercosur đạt được thỏa thuận thương mại tự do: Bước đột phá giữa hai bán cầu

Sau 25 năm đàm phán đầy khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này cho thấy, hai châu lục vẫn có thể ủng hộ tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, phi toàn cầu hóa và phân mảnh địa chính trị.

chu-tich-uy-ban-chau-au-ursula-von-der-leyen-phat-bieu-trong-cuoc-hop-bao-cung-cac-nha-lanh-dao-argentina-uruguay-brazil-va-paraguay-o-thu-do-montevideo-uruguay-..png

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo cùng các nhà lãnh đạo Argentina, Uruguay, Brazil và Paraguay ở thủ đô Montevideo (Uruguay).

Hiệp định thương mại này được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ với gần 800 triệu người, bao gồm EU và các quốc gia Mercosur: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay, Bolivia. Từ Uruguay, nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mercosur, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ca ngợi thỏa thuận này là "một cột mốc thực sự mang tính lịch sử" vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đang gia tăng. Đồng thời, Chủ tịch EC nhấn mạnh: “Trong một thế giới đầy chia rẽ, các nền dân chủ cần dựa vào nhau. Thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang tính chiến lược về chính trị”.

Các cuộc đàm phán giữa EU và Mercosur bắt đầu vào năm 1999 và đến 2019 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị đình trệ trong nhiều năm do sự phản đối của Pháp và một số quốc gia, vì lo ngại về những tổn thất tiềm tàng đối với nông dân châu Âu. Mặt khác, các chính phủ theo chủ nghĩa bảo hộ của Brazil và Argentina không ưu tiên phê chuẩn. Ngày 6-12-2024, một thỏa thuận mới đã được ký kết tại Montevideo (Uruguay). Văn kiện mang tính bước ngoặt này là thỏa thuận lớn nhất từng được EU ký kết. Với Mercosur, đây là thỏa thuận duy nhất có được với một liên minh thương mại lớn. Thỏa thuận này sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa thương mại song phương, giúp các nhà xuất khẩu châu Âu tiết kiệm được 4 tỷ euro mỗi năm... Trong khi đó, các sản phẩm của Nam Mỹ được ưu đãi khi vào thị trường châu Âu, đặc biệt là hàng hóa nông sản mà Mercosur nắm giữ lợi thế.

Một thỏa thuận thương mại tự do được thiết lập để mở cửa thị trường bảo hộ cao của Mercosur cho hàng hóa công nghiệp châu Âu, tạo ra môi trường kinh tế có thể dự đoán, giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan, thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thỏa thuận ngay lập tức làm dấy lên căng thẳng giữa các quốc gia thành viên EU.

Đức và các quốc gia ủng hộ thỏa thuận, như Tây Ban Nha, Hà Lan coi đây là cơ hội để EU khẳng định vị thế thương mại toàn cầu. Chính phủ Đức ca ngợi đây là “bước tiến chiến lược” làm giảm sự phụ thuộc kinh tế của châu Âu vào Trung Quốc và Mỹ. Ngược lại, Pháp chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành Nông nghiệp trong nước. Các nhà sản xuất Pháp cảnh báo, việc nhập khẩu thịt bò và thịt gia cầm giá rẻ từ Nam Mỹ sẽ gây áp lực lớn lên thị trường nội địa và sinh kế của nông dân. Tổng thống Emmanuel Macron hôm 6-12 cho biết, thỏa thuận này "không được chấp nhận"... Ba Lan, Áo, Ireland cũng đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề môi trường cũng như lợi ích kinh tế nội địa. Giờ đây, tâm điểm dư luận chuyển sang Italia, khi Thủ tướng Giorgia Meloni phải đối mặt với áp lực lớn để đưa ra quyết định ủng hộ thỏa thuận hay không.

Thỏa thuận đã mở ra một cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ EU và cần được các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Và dù có đạt được đồng thuận chính trị, quá trình đưa thỏa thuận vào thực tế vẫn đầy thách thức.

Dẫu vậy, các nhà phân tích nhận định, có nhiều yếu tố khiến thỏa thuận này trở nên khả thi. Đầu tiên phải kể tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, minh chứng là việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, buộc EU và Mercosur phải hành động. Với tư cách là những người ủng hộ một trật tự kinh tế cởi mở, cả hai khối đều coi thỏa thuận này là một cách để tái khẳng định cam kết đối với thương mại tự do dựa trên luật lệ. Mặt khác, cả Tổng thống Brazil Lula da Silva và Tổng thống Argentina Javier Milei đều ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận này, trong khi Uruguay luôn ủng hộ mô hình nền kinh tế nhỏ hướng đến xuất khẩu. Cùng với đó là những cân nhắc chiến lược quan trọng của EU, khi các nhà lãnh đạo lo ngại về sự mở rộng nhanh chóng của thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Mỹ Latinh.

Hiệp định EU - Mercosur không chỉ là một thỏa thuận thương mại mà còn mang tính biểu tượng về sự hợp tác giữa Bắc và Nam bán cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và địa chính trị toàn cầu gia tăng, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của EU và Mercosur trên trường quốc tế.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...