Dự báo: 'Vành đai siêu nhiệt' sẽ bao phủ một phần nước Mỹ trong năm 2053, thiệt hại khó lường

Nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu và nhiệt độ cao sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân trên toàn thế giới.

Vành đai siêu nhiệt

AFP dẫn một nghiên cứu mới cho biết, dự báo vào năm 2053, một khu vực có thời tiết nóng hơn bình thường - tạm gọi là "vành đai siêu nhiệt" - với ít nhất một ngày mỗi năm có nhiệt độ lên tới 52 độ C sẽ bao phủ một vùng lớn lãnh thổ Mỹ.

Nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận First Street Foundation thực hiện đã sử dụng một mô hình được đánh giá ngang hàng và xây dựng với dữ liệu công khai để ước tính rủi ro về nhiệt.

Nhiệm vụ của First Street Foundation là giúp các mô hình rủi ro khí hậu có thể tiếp cận được với công chúng, chính phủ và các ngành khác nhau, chẳng hạn như các nhà đầu tư bất động sản và công ty bảo hiểm.

Một phát hiện quan trọng từ nghiên cứu nêu trên là nhiệt độ vượt quá ngưỡng mức cao nhất do Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ thống kê - mức được gọi là "Cực kỳ nguy hiểm", hoặc trên 52 độ C - dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 8,1 triệu người vào năm 2023 và tăng lên 107 triệu người vào năm 2053, tăng gấp 13 lần.

Dự báo: Vành đai siêu nhiệt sẽ bao phủ một phần nước Mỹ trong năm 2053, thiệt hại khó lường - Ảnh 1.

Vành đai nhiệt này sẽ bao phủ một khu vực địa lý trải dài từ phía bắc Texas và Louisiana đến Illinois, Indiana và Wisconsin - các khu vực ở sâu trong nội địa hơn những vùng gần bờ biển.

Chỉ số nhiệt, còn được gọi là nhiệt độ biểu kiến, là nhiệt độ bên ngoài cơ thể con người thực sự cảm nhận khi độ ẩm tương đối kết hợp với nhiệt độ không khí.

Để tạo ra mô hình nhiệt, các nhóm nghiên cứu đã kiểm tra nhiệt độ bề mặt mặt đất và nhiệt độ không khí lấy từ vệ tinh từ năm 2014 đến năm 2020, để giúp hiểu mối quan hệ chính xác hơn giữa hai phép đo.

Thông tin này đã được nghiên cứu thêm bằng cách tính đến độ cao, cách nước được hấp thụ trong khu vực, khoảng cách đến nước bề mặt và khoảng cách đến bờ biển.

Sau đó, mô hình này được mở rộng theo các điều kiện khí hậu trong tương lai, sử dụng kịch bản do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu dự báo, trong đó mức độ carbon dioxide bắt đầu giảm vào giữa thế kỷ này, nhưng không đạt tới mức 0 vào năm 2100.

Ngoài những ngày "Cực kỳ Nguy hiểm", các khu vực thuộc vành đai trên toàn nước Mỹ dự báo sẽ phải hứng chịu nhiệt độ quanh năm nóng hơn.

Báo cáo cũng cảnh báo, việc gia tăng sử dụng máy điều hòa do nhiệt độ tăng đột biến vào những ngày này sẽ làm quá tải hệ thống lưới điện, dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên hơn, diễn ra lâu hơn.

Khô hạn hoành hành

Mỹ không phải khu vực duy nhất hứng chịu những điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Thời tiết khô và nóng đặc biệt đã tiếp tục hoành hành các khu vực ở Tây Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh. Mặc dù không dữ dội như đợt nắng nóng vào tháng 7, nhiệt độ trên 30 độ C đã được ghi nhận trên khắp nước Anh và xứ Wales trong vài ngày qua. Mức cao nhất tạm thời đo được là 34,9 độ C đã được ghi nhận ở Charlwood, Surrey.

Nhiệt độ cao theo cùng với tháng 7 khô hạn nhất ở Anh kể từ năm 1935. Các khu vực miền trung nam nước Anh và đông nam nước Anh trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi chép.

Nhiệt độ ở Pháp và Tây Ban Nha cũng tăng vọt vào tuần trước. Vào ngày 11/8, mức nhiệt 41,5 độ C đã được ghi nhận ở Navarrenx, Pháp, và mức cao nhất là 41,8 độ C ở Durban-Corbières đã xuất hiện vào ngày hôm sau. Tại Formentera, quần đảo Balearic, thời tiết nóng bức cũng lập kỷ lục nhiệt độ cao nhất với 44,5 độ C.

Lượt xem: 39
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...