Tuyên bố từ người phụ nữ hét vào mặt quan chức Taliban

Một năm kể từ khi Taliban lên nắm quyền, phụ nữ Afghanistan vẫn chìm trong sự đày đọa và những lời hứa bị rũ bỏ. Tuy vậy, họ chưa bao giờ ngừng đấu tranh.

"Ông hãy nhấc điện thoại lên ngay bây giờ, gọi về Kabul và yêu cầu thả họ ngay lập tức", Hoda Khamosh - nhà hoạt động nữ quyền Afghanistan và được Time bình chọn là "một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022" - hét vào mặt lãnh đạo cơ quan đối ngoại Taliban, Amir Khan Muttaqi, trong cuộc gặp ở Oslo, Na Uy hồi tháng 1.

"Khi tôi nói những lời đó, ánh mắt họ trông thật đáng sợ. Những người trong phòng họp khi đó đều hiểu rằng nếu tôi rơi vào tay họ, chắc họ sẽ chặt tôi ra thành từng mảnh", Khamosh nhớ lại khoảnh khắc đó khi trò chuyện với Zing.

Hai người mà cô Khamosh yêu cầu "thả ngay lập tức" là nhà hoạt động xã hội Tamana Zaryabi Paryani và Parawana Ibrahimkhel. Hai người này mất tích sau khi nhà của họ bị đột nhập hôm 20/1. Họ đã tham gia loạt biểu tình chống Taliban suốt khoảng thời gian trước đó.

Khamosh là một trong 6 phụ nữ Afghanistan được mời ngồi cùng các quan chức Taliban trong chuyến thăm đầu tiên của lực lượng này tới một quốc gia phương Tây kể từ tháng 8/2021. Các cuộc hội đàm khi đó thảo luận về tình hình nhân đạo và kinh tế ở Afghanistan.

Mặc dù ông Muttaqi phủ nhận việc bắt giữ và tra tấn, Khamosh khẳng định mình không tin lời nói này. Cô đã thấy những tài liệu từ mẹ của một trong 2 nhà hoạt động, chứng minh họ bị Taliban bắt giữ, ABC News đưa tin.

Theo Khamosh, hiện tại họ đã được thả tự do. "Một người đã rời khỏi Afghanistan, người còn lại chưa thể rời khỏi đây và đang trải qua những ngày tồi tệ", nhà hoạt động nữ quyền nói với Zing.

Một năm sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan (ngày 15/8), bất chấp những lời hứa trước đó, các biện pháp hạn chế cứng rắn với phụ nữ của Taliban đang ngày một siết chặt. Dưới sự cai trị của Taliban, tương lai của phụ nữ và trẻ em gái đang dần đóng lại.

"Trong 20 năm qua, chúng tôi ít nhất đã xây dựng được một xã hội tương đối bình đẳng và có thể chỉ ra những khiếm khuyết mang tính nền tảng trong xã hội. Giờ đây, mọi thứ đã sụp đổ", cô Khamosh nói với Zing.

"Một cái chết từ từ. Một cuộc sống chìm trong bể khổ. Một ngõ cụt. Chỉ có cái chết đợi ở cuối con đường", cô mô tả cuộc sống của phụ nữ Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban.

Chuyển chỗ ở sau mỗi lần biểu tình

Cô Khamosh hiện sống ở Na Uy. Gia đình cô vẫn ở lại Afghanistan, trong khi bạn đời của nhà hoạt động chuyển sang một nước láng giềng.

"Tôi không thể tìm ra cách giải cứu họ. Tôi đã chuyển gia đình mình đến một tỉnh xa xôi để Taliban không thể tiếp cận họ. Ở Kabul, Taliban có thể dễ dàng tìm thấy họ, đe dọa và đánh đập họ để gây sức ép với tôi", cô chia sẻ.

Cô cho biết mỗi ngày bản thân phải đối mặt nhiều hơn với nỗi sợ hãi và đe dọa vì những bài viết của mình, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ bất kỳ tổ chức nào để giúp đỡ và chuyển gia đình mình đến nơi an toàn.

"Tôi không chỉ sợ mà còn nhớ họ. Sự chia cách khiến tôi rất hụt hẫng và mệt mỏi", cô nói.

cuoc song phu nu afghanistan sau mot nam taliban nam quyen anh 1

Hoda Khamosh (áo xanh) trong cuộc gặp mặt với Taliban tại khách sạn Soria Moria ở Oslo hôm 24/1. Ảnh: Reuters.

Cô nhớ lại khoảng thời gian "tốt đẹp" trước khi Taliban lên nắm quyền trở lại ở Afghanistan: "Tôi có việc làm, tôi giảng dạy, viết lách, thỉnh thoảng đi chơi và học tập. Nhưng ngay khi Taliban thống trị Afghanistan, tôi lập tức phải trốn trong nhà vì sợ sẽ bị giết".

Những hoạt động biểu tình trên đường phố và sáng tác thơ của Khamosh đã khiến Taliban "gửi thư, gọi và cảnh cáo tôi, đến nhà và đánh người thân tôi", thậm chí dọa giết rất nhiều lần.

"Khi tôi còn ở Afghanistan, tôi không thể ngủ yên giấc trong căn nhà của mình. Sau mỗi lần ra đường biểu tình, tôi phải đổi chỗ để Taliban không thể tìm thấy tôi", cô nói.

Khamosh cho biết Taliban đã dùng những lời lẽ miệt thị, thô lỗ, chửi mắng thậm tệ những người biểu tình.

"Họ gọi chúng tôi là 'gái đứng đường' không biết bao nhiêu lần. Tôi sẽ không bao giờ quên từ này. Tôi biểu tình vì muốn được làm việc và đóng góp cho xã hội này, nhưng họ gọi chúng tôi như thể chúng tôi là những người không có đạo đức", cô nói.

Những chia sẻ của Khamosh phần nào trùng khớp với bản báo cáo dài 98 trang công bố ngày 27/7 của Tổ chức Ân xá Quốc tế với tiêu đề: "Những cái chết đến chậm: Phụ nữ và trẻ em gái dưới sự cai trị của Taliban".

Sau khi phỏng vấn 90 phụ nữ và 11 bé gái trong độ tuổi 11-74, báo cáo nhấn mạnh mức độ lạm dụng và những hạn chế đối tượng này phải đối mặt dưới thời Taliban.

Tổ chức Ân xá Quốc tế kết luận Taliban đã bỏ tù hàng chục nhà hoạt động nữ quyền, hạn chế quyền tiếp cận giáo dục với phụ nữ và trẻ em gái, cấm phụ nữ đi làm vì không muốn họ ở gần nam giới. Những người phụ nữ biểu tình phải chịu cảnh quấy rối, cưỡng chế, mất tích, cũng như bị tra tấn về thể chất và tâm lý.

"Đây (bản báo cáo) mới chỉ là tiếng nói của một vài phụ nữ. Taliban là khởi nguồn cho những cái chết từ từ ở Afghanistan", Khamosh nhấn mạnh.

cuoc song phu nu afghanistan sau mot nam taliban nam quyen anh 2

Khamosh (đội khăn xám, giơ tay) biểu tình phản đối Taliban khi còn ở Afghanistan. Ảnh: Hoda Khamos cung cấp.

Trong cuộc biểu tính mới nhất hôm 13/8 của khoảng 40 phụ nữ diễu hành trước tòa nhà Bộ Giáo dục ở thủ đô Kabul, nhiều người đã bị các tay súng Taliban đánh đập và nổ súng vào không trung để uy hiếp.

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên của phụ nữ Afghanistan trong nhiều tháng. Họ hô vang khẩu hiệu "bánh mì, công việc và tự do" và mang theo những biểu ngữ có nội dung "15/8 là một ngày đen tối", đồng thời yêu cầu quyền làm việc và tham gia vào bộ máy chính trị, theo AFP.

Liên minh châu Âu (EU) hôm 14/8 tuyên bố "đặc biệt quan ngại" về tình trạng ngày càng tồi tệ với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan sau khi Taliban dùng bạo lực để giải tán cuộc biểu tình.

"Cổ họng ngập ứ nỗi đau cay đắng"

Ngày Taliban đóng sầm cánh cổng trường học chỉ vài tiếng sau khi các nữ sinh trở lại lớp, Khamosh cũng không cầm được nước mắt.

"Nước mắt tôi không ngừng rơi, cổ họng tôi ngập ứ những nỗi đau cay đắng. Đêm đó, tôi đã ngắm nhìn bức ảnh của những đứa trẻ không được tới lớp. Tôi đã khóc và cảm giác như cả một núi khổ đau đang đổ ập lên mình", cô kể lại.

Tôi đã khóc và cảm giác như cả một núi khổ đau đang đổ ập lên mình.

Hoda Khamosh

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, tất cả trường học ở Afghanistan phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19. 2 tháng sau đó, chỉ nam sinh và một số nữ sinh nhỏ tuổi được phép tiếp tục đi học.

Thủ lĩnh cấp cao Taliban và Bộ Giáo dục Afghanistan từng nhiều lần khẳng định các trường nữ sinh sẽ sớm hoạt động trở lại vào cuối tháng 3. Nhưng chỉ vài giờ sau khi đến lớp, các nữ sinh được yêu cầu thu dọn đồ đạc trở về nhà.

"Tôi đã gọi điện cho những bé gái mà tôi từng dạy và an ủi chúng, nói rằng chúng đừng lo lắng bởi một ngày nào đó, chúng tôi sẽ đánh bại nhóm khủng bố này. Và chúng sẽ được đến trường và đi học trở lại. (Những đứa trẻ) ở độ tuổi 10-18, chúng khóc và hỏi khi nào có thể tiếp tục đến trường", cô nói.

Để giúp các bé gái tiếp tục con đường học tập, Khamosh cùng một số người bạn đã tổ chức các lớp học "bí mật" cho những đứa trẻ không được tới lớp.

"Tôi đã sắp xếp các khóa học cho bọn trẻ. Chúng tôi mở một lớp học trực tiếp nhưng phải lẩn trốn. Tôi phân loại (học sinh) và tổ chức lớp 3 ngày/tuần, hai ngày cho những trẻ 8-10 tuổi và một ngày cho các bé gái nhỏ hơn", Khamosh chia sẻ.

Cô nói thêm rằng hầu hết bé gái trong vùng cũng bị ép kết hôn. Nhiều gia đình không thể tự nuôi sống bản thân nên buộc con gái kết hôn để nhận tiền.

Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế - được chứng thực bởi các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội - cũng tiết lộ tỷ lệ tảo hôn và bị ép lấy chồng ở Afghanistan tăng dưới sự cai trị của Taliban.

"Afghanistan là 'cơn bão hoàn hảo' (perfect storm) cho nạn tảo hôn", Stephanie Sinclair - Giám đốc Too Young to Wed - nói. "Một chính quyền độc đoán, một đất nước chiến tranh, nghèo đói, hạn hán, trẻ em gái không được đi học. Tất cả yếu tố này kết hợp lại khiến chúng tôi nhận ra nạn tảo hôn sẽ ngày càng phổ biến".

cuoc song phu nu afghanistan sau mot nam taliban nam quyen anh 3

Trẻ em gái đến trường học ở Kabul vào ngày 23/3. Việc mở lại những trường cấp 2 cho nữ sinh trên toàn Afghanistan nối lại cơ hội đi học cho hàng chục nghìn học sinh, vốn bị tước mất sau khi Taliban trở lại nắm quyền một năm trước. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau khi vào trường, Taliban ra lệnh đóng cửa và các em bị yêu cầu trở về nhà. "Các em òa khóc và không muốn về. Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh này", một giáo viên trường nữ sinh Omra Khan ở Kabul nói. Ảnh: AFP.

Đề cập đến sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, Khamosh chia sẻ: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ kết quả giá trị nào, ít nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, những người dễ bị tổn thương trong xã hội".

"Tôi hoan nghênh sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và các tổ chức, nhưng tôi cũng thẳng thừng từ chối những lời xót thương của họ", cô nói.

"Người dân Afghanistan không cần sự cảm thông, họ cần hành động và thay đổi. Họ cần chiến tranh kết thúc - điều sẽ không xảy ra chỉ bằng lời nói. Họ nên gây áp lực nhiều hơn với Taliban, ngừng tương tác và gửi tiền cho Taliban, ngăn họ tham gia vào các cuộc họp khu vực và thế giới", Khamosh nhấn mạnh.

Với những nỗ lực thúc đẩy quyền phụ nữ, phá bỏ điều cấm kỵ xung quanh vấn đề sức khỏe của nữ giới, sự dũng cảm lên tiếng trước các quan chức cấp cao Taliban, Hoda Khamosh được tạp chí TIME bình chọn là một trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất năm 2022.

Người dân Afghanistan không cần sự cảm thông, họ cần hành động và thay đổi. Họ cần chiến tranh kết thúc - điều sẽ không xảy ra chỉ bằng lời nói.

Hoda Khamosh

Tuy nhiên, giải thưởng này không phải điều cô hướng tới: "Mục tiêu của tôi là cất cao tiếng nói của người dân Afghanistan, tiếng nói của những người phụ nữ dễ bị tổn thương, cùng sự bình đẳng và tự do. Giải thưởng này không phải của tôi, nó thuộc về tất cả cô gái trên đất nước tôi".

"Tôi không thể đứng yên nhìn bản thân mình và những người phụ nữ khác không có tiếng nói trong xã hội. Tôi đang mong chờ ngày đất nước được tự do một lần nữa. Hòa bình sẽ trở lại và không còn bóng dáng Taliban trên đất Afghanistan", cô nói.

"Lúc đó, tôi sẽ trở lại Kabul sớm nhất có thể và cùng người dân ăn mừng ngày độc lập. Thế nhưng, những điều ước này thật cay đắng làm sao!", Khamosh nghẹn ngào.

Lượt xem: 77
Tác giả: Phương Linh, Hải Linh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...