WHO: Không phải COVID-19, đây mới là sát thủ hàng đầu giết 41 triệu người/năm

Báo cáo mới từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy một nhóm bệnh đã trở thành nỗi lo hàng đầu của ngành y tế khi gây tử vong cho nhiều người hơn cả COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cộng lại.

 

Mặc dù các đại dịch và các đợt bùng phát do nhóm bệnh truyền nhiễm gây ra thường gây nên những "cơn địa chấn", nhưng theo báo cáo sơ bộ mà WHO vừa gửi cho các cơ quan thông tấn báo chí, dữ liệu mới nhất của họ cho thấy các bệnh không lây (NCDs) đang gây chết người nhiều hơn bệnh truyền nhiễm.

NCDs mà WHO đề cập bao gồm nhóm bệnh tim và đột quỵ, ung thư, tiểu đường, bệnh hô hấp mạn tính, các vấn đề sức khỏe tâm thần...

WHO: Không phải COVID-19, đây mới là sát thủ giết 41 triệu người/năm - Ảnh 1.

Báo cáo mới nhất của WHO cho thấy các bệnh không lây mới là sát thủ lớn nhất mà nhân loại cần đối phó (Ảnh minh họa từ Internet)

Theo WHO, NCDs là một trong những thách thức lớn nhất về sức khỏe và sự phát triển của thế kỷ này mà các bệnh kể trên đứng đầu trong số đó. Chỉ riêng nhóm bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, hô hấp, tâm thần cộng lại đã gây ra gần 3/4 số ca tử vong toàn cầu, tương đương 41 triệu người mỗi năm.

Báo cáo mới của WHO như lời nhắc nhở về quy mô thực sự từ mối đe dọa của các NCDs và các yếu tố nguy cơ của chúng. Nó cũng cho thấy các biện pháp can thiệp hiệu quả về chi phí và có thể áp dụng trên toàn cầu nhằm thay đổi đại cục, cứu sống rất nhiều người.

Báo cáo cụ thể hơn mang tên "Con số vô hình: Mức độ thực sự của các bệnh không lây và những việc cần làm đối với chúng" sẽ được WHO công bố chính thức vào ngày 21-9 sắp tới tại một sự kiện do Bloomberg Philanthropies đồng tổ chức trong kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

 

WHO cũng xây dựng một cổng thông tin dữ liệu NCDs với dữ liệu mới nhất từ từng quốc gia cụ thể, các yếu tố rủi ro và việc thực hiện chính sách cho 194 quốc gia thành viên đã cung cấp dữ liệu.

Cổng này cũng cho phép khám phá dữ liệu về 4 nhóm NCDs hàng đầu (bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và các bệnh hô hấp mãn tính) và các yếu tố nguy cơ chính của chúng (sử dụng thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng rượu có hại và thiếu hoạt động thể chất), cũng như giúp so sánh dữ liệu từ các quốc gia.

Lượt xem: 53
Tác giả: Theo Anh Thư
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...