Vaccine phòng đại dịch: Niềm tin tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và hy vọng của tương lai

Khoa học chính là sự tiếp nối nền tảng của quá khứ, phát huy hiệu quả ở hiện tại và liên tục đổi mới trong tương lai.

Ngày 02/10/2023, giải thưởng Nobel Y sinh 2023 được công bố tại Stockholm (Thụy Điển). Chiến thắng thuộc về 2 nhà khoa học là Giáo sư Katalin Kariko (người Hungary) và Tiến sĩ Drew Weissman (người Mỹ), với nghiên cứu công nghệ vaccine mRNA ngừa Covid-19. Trước đó, vào năm 2021 hai nhà khoa học cũng được vinh danh trong giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.

Đại dịch Covid -19 diễn ra cách đây 3 năm dường như vẫn để lại nỗi ám ảnh cho toàn thế giới. Sự ra đời của vaccine công nghệ mRNA tại thời điểm đó được xem như một" vũ khí" giúp đẩy lùi và cứu mạng hàng tỷ người trong thảm họa sức khỏe tồi tệ này. 

Trải qua 3 năm đại dịch Covid -19 kinh hoàng khiến hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới, con người trở lên nhạy cảm, hoang mang, lo sợ khi xuất hiện thông tin về một dịch bệnh mới, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc chữa bệnh. Một số dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trở lại trong thời gian gần đây như bệnh do virus Nipah, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh do virus Zika,…

Nhìn lại lịch sử văn thế giới cũng đã ghi nhận nhiều đại dịch và dịch bệnh lớn đã diễn ra như dịch tả, dịch cúm, dịch đậu mùa,… cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới và một trong số đó là đại dịch do vi khuẩn lao gây ra.

Vaccine phòng đại dịch: Niềm tin tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và hy vọng của tương lai - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Bệnh lao phổi do vi khuẩn lao (tên khoa học Mycobacterium Tuberculosis) – một vi khuẩn có khả năng lây lan nhanh, sức đề kháng cáo và tồn tại lâu dài trong cơ thể người bệnh. Bệnh lao phổi được cho là đã xuất hiện từ thời tiền sử của loài người, khi mà các nhà khoa học đã tìm thấy những bất thường về xương điển hình của bệnh lao trong các xác ướp Ai Cập thời kỳ đầu. Bệnh lao được cho là đã giết chết nhiều người hơn bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác. Trong thế kỷ thứ 19, bệnh lao khiến ¼ người trưởng thành châu Âu tử vong và trong thế kỷ 20, khoảng 100 triệu người tử vong do căn bệnh này.

Xuất phát từ sự nguy hiểm của căn bệnh, các nhà khoa học thời kỳ đó đã tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiệm. Một dấu mốc quan trọng là vào tháng 3/1882, Robert Koch đã phát hiện ra trực khuẩn lao và ông đã được trao giải thưởng Nobel y sinh năm 1905.  Tuy nhiên, phải nhiều năm sau đó, vaccine phòng  lao (BCG – Bacillus Calmette - Guérin) mới ra đời bởi sự hợp tác của 2 nhà khoa học là Albert Calmette và cộng sự Camille Guérin khi họ đã nuôi cấy thành công chủng vi khuẩn lao sống Mycobacterium bovis, không hình thành bệnh và có tính kháng nguyên để làm vaccine. Đây chính là một vaccine sống giảm độc lực. Năm 1921, vaccine BCG lần đầu tiên được sử dụng cho con người và trải qua hơn một thể kỷ,vaccine này đã giúp hàng triệu người được bảo vệ trước vi khuẩn lao.

Ngày nay, mỗi đứa trẻ khi được sinh ra, trong vòng một tháng đầu đời sẽ được tiêm một liều phòng bệnh lao duy nhất. Mũi tiêm này sẽ để lại một vết sẹo nhỏ trên cánh tay trái và có hiệu quả bảo vệ cao nhất 80% với bệnh lao, đồng thời bảo vệ người tiêm khỏi bị viêm màng não.

Ngày 24/03 hàng năm là ngày thế giới phòng, chống bệnh lao, Việt Nam hiện đang đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát. Việt Nam đặt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2035 và vaccine phòng bệnh lao vẫn được xem là một trong những vũ khí quan trọng để có thể thực hiện thành công mục tiêu này.

Một điều thú vị mà không nhiều người biết đó là vaccine BCG với 2 chữ cái C và G trong tên vaccine chính là tên viết tắt của Calmette và Camille Guérin. Giáo sư Albert Calmette cũng chính là Viện trưởng đầu tiên của Viện Pasteur Sài Gòn – nhánh đầu tiên của Viện Pasteur Paris ở nước ngoài, ngày nay là Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, ông còn là người nghiên cứu ra huyết thanh kháng nọc rắn đã cứu mạng hàng trăm nghìn người khỏi những cú mổ của rắn độc. Mặc dù chỉ có thời gian ngắn công tác tại Việt Nam, nhưng với những đóng góp của mình, tên ông đã được đặt tên cho một con đường tại thành phố Hồ Chí Minh bây giờ: Đường Calmette.

Vaccine phòng đại dịch: Niềm tin tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và hy vọng của tương lai - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Khoa học chính là sự tiếp nối nền tảng của quá khứ, phát huy hiệu quả ở hiện tại và liên tục đổi mới trong tương lai. Công nghệ mRNA được ra đời bởi xuất phát từ thực tế là nhiều bệnh dịch đã xuất hiện từ lâu hoặc mới xuất hiện nhưng vaccine truyền thống đã giảm hoặc không bảo vệ được con người trước sự tấn công của chúng. 

Hầu hết vaccine  truyền thống đều hoạt động bằng cách tiêm một mảnh mầm bệnh không hoạt động hoặc hoạt động yếu – gọi là kháng nguyên – vào cơ thể kể kích hoạt miễn dịch, khi đó cơ thể ghi nhớ và có thể đáp ứng lại ngay khi mầm bệnh đó xâm nhập trở lại. Tuy nhiên, các loại vaccine như vậy thường mất nhiều thời gian nghiên cứu và mầm bệnh sống có thể gây nguy hiểm cho người có hệ miễn dịch suy yếu.

Trải qua hàng chục năm nghiên cứu, 2 nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman đã thành công tạo ra công nghệ mRNA giúp tạo vaccine an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Các loại vaccine này hoạt động bằng cách đưa vào cơ thể một đoạn mRNA tương ứng với protein của mầm bệnh. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra protein là ngoại lai, nó sẽ kích hoạt sản xuất ra một protein chuyên biệt – gọi là kháng thể, có vai trò chiến đấu và bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. MRNA bị phân hủy trong vòng vài ngày mà không xâm nhập vào nhân tế bào, nơi chứa DNA, do đó không thể ảnh hưởng đến gen của chúng ta. 

Qua đó để thấy được, từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai, khi mà khí hậu, môi trường sống và các mầm bệnh liên tục xuất hiện mới hoặc thay đổi các biến thể với tốc độ chóng mặt thì con người cũng luôn tìm cách thích nghi, cải tiến công nghệ để phục vụ và duy trì sự sống. Công nghệ mRNA đã mở ra một trang mới cho y học, sẽ giúp con người có thêm hy vọng để tìm ra các phương pháp mới để phòng tránh và điều trị các bệnh lý đã xuất hiện từ lâu như HIV, ung thư, bệnh di truyền hiếm gặp, các bệnh lý tự miễn,… và đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm ở hiện tại, điển hình như virus Nipah. 

Hiện tại, Viện y tế Quốc gia Hoa kỳ đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu một loại vaccine dựa trên nền tảng mRNA, để ngăn ngừa nhiễm virus Nipah. Sự ra đời của các phát minh và công nghệ mới giúp con người có thêm niềm tin có thể ứng phó được với các bệnh tật và dịch bệnh đang xảy ra ở hiện tại và có thể xuất hiện ở tương lai.

Lượt xem: 5
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...