Tập huấn ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật, tụy

Nhằm nâng cao trình độ, kỹ thuật chuyên môn cho cán bộ y tế và chất lượng điều trị cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 12/5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tổ chức lớp tập huấn “Ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật - tụy” với sự hỗ trợ chuyên môn của Liên chi Hội Nội soi tiêu hóa Việt Nam.

Spyglass là một hệ thống ống nội soi nhỏ linh hoạt với đèn chiếu sáng và một camera siêu nhỏ gắn ở cuối, giúp cung cấp hình ảnh trực quan của đường ống dẫn mật (ống gan) mà các thiết bị thế hệ cũ không thể thực hiện được.

Ứng dụng Spyglass trong điều trị sỏi mật khó và bệnh lý hẹp đường mật, bệnh lý tụy, sỏi tụy mà những dụng cụ làm ERCP thường quy (chụp mật tụy ngược dòng qua ngã nội soi) không thể thực hiện tốt được.

Tập huấn ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật, tụy

Các học viên tham gia lớp tập huấn “Ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật - tụy”

Lớp tập huấn với sự tham dự của 20 bác sĩ chuyên khoa nội soi đang công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các chuyên đề: Tổng quan về ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật - tụy; Kinh nghiệm triển khai Spyglass tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Lớp tập huấn đã cập nhật những thông tin kỹ thuật tiên tiến của về ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật - tụy cũng như kinh nghiệm lâm sàng trong thực hiện kỹ thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đặc biệt tại hội nghị, các học viên được thực hành thị phạm trên 5 bệnh nhân với sự thảo luận, hướng dẫn của các chuyên gia đã diễn ra thành công. Spyglass ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bao gồm ung thư đường mật, ung thư tụy, ung thư túi mật, sỏi đường mật và sỏi túi mật sỏi tụy...

Tập huấn ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật, tụy

Bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật ứng dụng Spyglass trên bệnh nhân

Theo BSCK2 Bồ Kim Phương - Trưởng khoa Nội tiêu hóa bệnh viện: Hệ thống Spyglass DS giúp quan sát trực tiếp vào ống tụy, mật (bao gồm cả nhánh gan phải và trái) mà hệ thống nội soi tá tràng đơn thuần chỉ có thể làm ERCP (chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi) với các dụng cụ thông thường bóng kéo sỏi, rọ kéo sỏi, rọ tán sỏi… lấy được sỏi.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sỏi quá to mà rọ tán không bắt được, sỏi kẹt cứng hoặc sỏi to nằm phía trên chỗ hẹp trong ống mật thì các phương pháp thông thường không thể lấy sỏi ra được; Hoặc bệnh nhân bị sỏi nằm kẹt trong nhánh gan hoặc u đường mật, lúc này sẽ cần đến sự trợ giúp của hệ thống Spyglass (spyscope) với hệ thống tán sỏi bằng laser hoặc bằng thủy lực để giải quyết sỏi to, sỏi khó… và 1 spybite (sinh thiết siêu nhỏ) để sinh thiết u đường mật, đường tụy…

Tập huấn ứng dụng Spyglass trong bệnh lý mật, tụy

Bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật ứng dụng Spyglass trên bệnh nhân

Lớp tập huấn giúp cập nhật những kiến thức mới trong chuyên ngành nội soi. Từ đó, học viên được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm lâm sàng và áp dụng trong thực hành chuyên môn tại cơ sở khám, chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Lượt xem: 130
Tác giả: Hoàng Châu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...