Tăng cường phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người

Sở Y tế vừa có Công văn số 2471/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

CDC Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người - Tin tức sự kiện - Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội
Ảnh minh họa

Đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị động vật cắn, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh dại, cúm gia cầm; tham gia điều tra giám sát ổ dịch, hướng dẫn xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Đồng thời, CDC Hà Nội cần kịp thời thông tin với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khi phát hiện hoặc nhận thông tin về các trường hợp bệnh lây truyền từ động vật sang người để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người theo quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trên người.

Bên cạnh đó, CDC Hà Nội củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vắc xin phòng bệnh cho người; quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc xin phòng trên địa bàn thực hiện và báo cáo thông tin về bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Bộ Y tế.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Các đơn vị truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng khi người bị động vật cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.

Các quận, huyện, thị xã công khai các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh dại, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã kịp thời báo cáo với CDC Hà Nội, UBND quận huyện thị xã và các đơn vị liên quan khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, xử lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người theo quy định.

Trung tâm Y tế tham mưu UBND quận, huyện, thị xã bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, hóa chất, vật tư để xử lý ổ dịch khi có dịch bệnh xảy ra trên người và động vật; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, đảm bảo công tác khử khuẩn và vệ sinh môi trường; bố trí kinh phí tiêm vắc xin dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại cho các đối tượng ưu tiên theo Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 4/4/2022 về thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về thuốc, vật tư, trang thiết bị… để tiếp nhận, cách ly, điều trị ca bệnh, thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương khi có bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người để chủ động giám sát, xử lý, phòng chống dịch tại cộng đồng.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 9
Tác giả: Phương Thu
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...