Nỗ lực tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành đã rất nỗ lực, cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện mua sắm, cung ứng đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt tập trung tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý.

Vì sao lại xảy ra hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế?

Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đề cập đến nhiều vấn đề của ngành Y, trong đó có tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập thời gian qua có nguyên nhân khách quan, do thời điểm năm 2021, các cơ sở y tế phải tập trung chống dịch COVID-19, tăng khối lượng công việc do dịch nên việc xây dựng, thực hiện kế hoạch mua sắm, đấu thầu bị ảnh hưởng.

Phẫu thuật xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Việt Đức.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động tăng trên quy mô toàn cầu khiến việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm càng trở nên khó khăn hơn.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. Trong khi đó, các hợp đồng cung ứng đã thực hiện những năm trước hết hạn phải chờ kế hoạch đấu thầu mới.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do việc hạn chế nguồn cung do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm; Có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu; Tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; Nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp...

Một số đơn vị có tình trạng tồn tại công nợ với nhà thầu, do chưa được thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh một số năm trước đó.

Một số nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan tới giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp. Một số nhà thầu không tiếp tục tham dự thầu, không tiếp tục sẵn sàng giao hàng hoặc giao hàng với một số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn, gây nên tình trạng thiếu hụt thuốc sử dụng cho người bệnh.

Nhiều gói thầu phải thực hiện đấu thầu lần 2, lần 3 vẫn không có kết quả vì không có nhà thầu dự thầu do giá hàng hóa trên thị trường đã biến động, tăng so với giá kế hoạch được lập.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Do đó, để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; Ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc…

Trong đó, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với các giải pháp như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tự chủ hay các quy định về vay vốn, thuê, mượn thiết bị y tế...

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Ảnh minh họa

Ngay đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 7 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế; Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế...

Đặc biệt để tiếp tục tháo gỡ khó khăn liên quan đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ngay đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế; Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế...

Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ vừa được ban hành được xem là những biện pháp hiệu quả và kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc cho ngành y tế. Đến nay, hầu hết các bệnh viện đều đang tập trung gấp rút triển khai những công việc trước đây gặp vướng mắc.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận các nghị định, nghị quyết vừa ban hành chỉ là “giải pháp tình thế” là cái phao cứu cánh nhất thời.

Về lâu dài, để giải quyết tận gốc vấn đề này, các bệnh viện cần nghiên cứu thực tiễn những chỉ dấu tham mưu cho Bộ Y tế đưa vào luật đấu thầu hoặc sửa đổi trong luật đấu thầu. Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan cần xây dựng các quy định riêng về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành Y tế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: "Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu quyết liệt cho Chính phủ: Sửa đổi Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 Quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bộ cũng phối hợp với các Bộ, ban, ngành sửa đổi Luật Giá, Nghị định số 29/NĐ-CP, Nghị định số 151/NĐ-CP; Thông tư số 58/2016/TT-BTC; Thông tư số 277/2016/TT-BTC và Thông tư số Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016...".

Việc sửa đổi này để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; Đồng thời hướng dẫn các đơn vị, các cơ sở y tế, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thẩu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.

Lượt xem: 10
Tác giả: Phương Thu
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...