Khoa điều trị trại phong dưới chân đèo Ea Na

Khoa điều trị Trại phong Ea Na (thuộc Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk) không thuần túy chỉ là nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh phong mà ở đó, các thầy thuốc và bệnh nhân coi nhau như ruột thịt.

Khoa điều trị Trại phong Ea Na (Khoa điều trị) nằm dưới chân đèo Ea Na thuộc buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Cả buôn Tuôr A hiện có hơn 800 hộ gồm nhiều dân tộc anh em như Kinh, Ê Đê, M’Nông, Gia Rai, Ba Na... Nhiều hộ dân ở đây có người thân mang trong mình trực khuẩn Hansen gây bệnh phong. Ít ai biết đã có thời gian dài nơi đây từng là khu tách biệt khỏi xã hội do sự thiếu hiểu biết của người dân về bệnh phong.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, buôn Tuôr A hôm nay đã hoàn toàn đổi mới, những mái nhà tôn cũ nát của Khoa điều trị được thay bằng khu nhà cấp 4 khang trang. Bệnh nhân phong sau khi khỏi bệnh đã tái hòa nhập cộng đồng, con em họ được đến trường học hành như bao gia đình khác.

 H’Rip Êban chăm sóc bệnh nhân tại Trại phong Ea Na. 

 

Từng là chiến sĩ quân y, năm 1990, bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng khoa điều trị viết đơn tình nguyện về công tác và gắn bó gần cả cuộc đời với bệnh nhân tại đây. Khi đó, Khoa điều trị là những dãy nhà tôn với gần 400 bệnh nhân đang điều trị tại chỗ. Mỗi ngày, bác sĩ Tố thăm khám, điều trị cho 130-140 bệnh nhân. Anh còn cùng anh em đi khắp dải đất Tây Nguyên để tuyên truyền cho người dân hiểu về căn bệnh, cách phòng tránh, chữa trị để bà con yên tâm sống chung với những người không may mắc bệnh này. Nhiều nơi các anh phải đi bộ, leo đèo, lội suối 2-3 ngày, thế nhưng khi đến nơi thì người bệnh đã bỏ trốn vào rừng. Cả đoàn phải liên hệ với chính quyền địa phương kêu gọi, thuyết phục mới đưa được người bệnh về chăm sóc, chữa trị. Hơn 30 năm gắn bó với Khoa điều trị, bác sĩ Tố đã tự học tiếng của đồng bào để có thể nói chuyện, thăm, khám bệnh, trao đổi với người bệnh, từ đó, tình cảm giữa bác sĩ và người bệnh trở nên gắn kết như người thân trong gia đình. Như trường hợp ông Klan Khó, dân tộc Gia Rai (Gia Lai), năm 2012, trong quá trình điều trị bệnh phong lại phát hiện bị ung thư tế bào gai ở cẳng chân. Bác sĩ Tố đã gần gũi, động viên ông đoạn chi (cắt chân). Để làm được điều đó, bác sĩ Tố phải hứa nuôi ông trọn đời, ông Klan Khó mới chịu đi bệnh viện đoạn chi và sống khỏe mạnh đến hôm nay.

Các y sĩ, bác sĩ tại đây không chỉ chữa bệnh bằng thuốc, bằng sự tận tụy mà còn áp dụng cả những liệu pháp tinh thần. Nhiều bệnh nhân qua sự mai mối của các thầy thuốc đã trở thành vợ chồng như trường hợp ông Y Tlót và bà H’Chíp Niê. Trong quá trình điều trị, thấy hai người có tình cảm với nhau, các thầy thuốc đã vun vén, động viên và tổ chức lễ cưới cho ông bà. Đến nay, ông bà đều hơn 80 tuổi nhưng vẫn chăm sóc cho nhau rất hạnh phúc.

Tại Khoa điều trị, có trường hợp 3 mẹ con đều cống hiến sức mình vì người bệnh. Đó là bà H’Xul Êban làm cấp dưỡng tại đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Chồng mất sớm, bà một mình nuôi 5 cô con gái. Trong đó, người con đầu là H’Kiat Êban (sinh năm 1976) và con út là H’Rip Êban (sinh năm 1990) từ nhỏ theo mẹ vào khu điều trị nấu cơm đưa đến tận nơi những bệnh nhân không thể di chuyển. Năm 2002 khi mẹ nghỉ hưu, H’Kiat tiếp tục sự nghiệp của mẹ làm cấp dưỡng tại Khoa điều trị. Còn với H’Rip Êban, năm 2016 sau khi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, chị cũng viết đơn xung phong về công tác tại Khoa điều trị. Đã 7 năm trôi qua, cô bé H’Rip ngày nào giờ đã tự tin tiêm, thay băng, rửa vết thương... cho bệnh nhân. H’Rip cho biết: “Bà nội mình ngày xưa cũng bị bệnh phong, điều trị tại đây. Ngay từ nhỏ mình đã thấy những bệnh nhân bị cùi, cụt ngón chân, ngón tay nên khi vào làm, mình không cảm thấy sợ hãi nữa”. H’Rip khẳng định, mình sẽ làm việc lâu dài ở đây bằng cách học tập nâng cao trình độ để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân được tốt hơn.

Công việc ở Khoa điều trị với những bệnh nhân đặc biệt bao nhiêu năm qua vẫn tiếp tục. Ngày ngày, các thầy thuốc thay nhau túc trực, chăm sóc cho bệnh nhân từng miếng ăn, giấc ngủ. Có thể nói, các y sĩ, bác sĩ ở đây như những con tằm rút ruột nhả tơ, chăm sóc, cứu chữa người bệnh bằng cả tấm lòng, chia sẻ với họ niềm vui, nỗi buồn, chăm lo hạnh phúc và lo hậu sự cho cả người không may qua đời vì bệnh, vì tuổi già.

Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...