Nhận biết các dấu hiệu đau bụng do ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, đau cơ, da tím tái, khó thở, ngưng thở, co giật, trụy mạch, bất tỉnh. Tuy nhiên, cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu trong đau bụng để nắm được triệu chứng trong nhiều bệnh khác.
Đau bụng ngộ độc thực phẩm
Thông thường khi bị ngộ độc, bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng quặn từng cơn kèm tiêu chảy. Cơn đau có thể dịu đi một lúc sau mỗi lần đi ngoài hay sau khi nôn ói.
Khi rơi vào những tình huống sau đây, có thể nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm: Người vừa mới ăn xong và khởi phát bệnh ngay sau đó; Có từ hai người trở lên có biểu hiện triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh. Các dấu hiệu gợi ý ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn ói, tiêu chảy; Quan sát thực phẩm thấy có biểu hiện nghi ngờ, như ôi thiu, có mùi lạ, xuất hiện giun sán.
Ảnh minh họa |
Ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 - 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh.
Vì vậy, tự bảo vệ bản thân là biện pháp cần thiết đầu tiên phải nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức quan trọng về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm vô cùng cần thiết.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm nhiễm ở ruột thừa. Ruột thừa là một túi nhỏ lồi ra khỏi thành ruột. Viêm ruột thừa là 1 bệnh lý hay gặp hằng ngày.
Triệu chứng đặc hiệu là đau bụng nặng lên dần dần trong vòng 6 đến 24 giờ đồng hồ. Đau thường khởi đầu từ vùng giữa bụng hay trên rốn, nhưng sau đó thường khu trú ở vùng bụng dưới bên phải (Hố chậu phải).
Táo bón
Táo bón là một nguyên nhân thường gặp. Táo bón có nghĩa là số lần đi ngoài ít hơn so với bình thường hay khó rặn hoặc đau khi đi ngoài. Đôi khi có đau bụng từng cơn ở vùng bụng dưới giữa hoặc lệch về bên trái. Nếu táo bón nặng, có thể gặp chướng bụng và mệt mỏi.
Sỏi thận, sỏi mật, Nhiễm khuẩn tiết niệu
Đau bụng đầu tiên ở lưng và có cảm giác như lan ra vùng bụng đến mặt trong đùi, có thể là do sỏi thận. Triệu chứng bao gồm đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, và được gọi là cơn đau quặn mật, sỏi mật.
Trong trường hợp này bệnh nhân nên đến bệnh viện sớm để có chẩn đoán chính xác và phương hướng điều trị hiệu quả nhất.
Hội chứng ruột kích thích
Nếu xuất hiện những cơn đau liên tục dạng như bị chuột rút ở vùng bụng dưới, kèm theo chướng hơi, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy, thì rất có thể đã mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS) hay "đại tràng co thắt". IBS là một trong những chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay liên quan đến đường ruột và dạ dày.
Căn bệnh này không có nguyên nhân cụ thể nên việc điều trị chủ yếu tập trung làm giảm bớt các triệu chứng để bệnh nhân có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã phát hiện thấy thủ phạm gây ra IBS là do ruột kết quá nhạy cảm.
Hội chứng này không gây giảm cân hay chảy máu trực tràng nên người bệnh có thể “sống chung với lũ”. Nếu mắc phải tình trạng này, nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể, ngoài ra có thể sử dụng các liệu pháp tự nhiên hỗ trợ điều trị bệnh, duy trì cuộc sống cân bằng, khoa học...