Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần sau dịch Covid-19
Sáng 27-12, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ và đông đảo sinh viên.
Hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khỏe tinh thần” nhằm chia sẻ, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần và các đối tượng có liên quan sau dịch Covid-19, thảo luận và đề xuất các giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh lân cận nói chung, hướng đến mục tiêu cung cấp và phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Tham luận của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo cho rằng với sự hỗ trợ của những thiết bị hiện đại, những phương pháp trị liệu tâm lý… cùng sự tận tâm với nghề của những chuyên gia y tế, tâm lý học kỹ thuật, tâm lý học sức khỏe, tâm lý học trường học sẽ tạo nên những bước phát triển vượt bậc trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.
Đông đảo đại biểu tham gia hội thảo. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong chăm sóc sức khỏe tinh thần đang đặt ra những thách thức như nhu cầu đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần, việc sử dụng công nghệ, phát triển các phác đồ điều trị bảo đảm hiệu quả... Các nghiên cứu trong tương lai nên khám phá thêm tiềm năng của việc đào tạo kỹ thuật số dành cho các nhà lâm sàng và các chuyên gia tâm lý chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Một thách thức khác là liên quan đến việc triển khai các mô hình chăm sóc kết hợp trong thực hành lâm sàng. Từ đó, việc phân tích các đặc điểm của bệnh nhân là cần thiết để xác định loại hình chăm sóc tâm lý phù hợp, xem xét tiềm năng của ứng dụng công nghệ, trị liệu theo kiểu truyền thống. Ngoài ra, trong chăm sóc sức khỏe tinh thần còn phải giải quyết các vấn đề đạo đức do việc sử dụng công nghệ gây ra...
Các chuyên gia tham luận tại hội thảo. |
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc tâm lý, tạo cơ hội để phổ biến việc sử dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe tinh thần. Một trong những vấn đề cần quan tâm và triển khai là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đa đối tượng, đa mục tiêu và đa phương thức.
Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải biết trách nhiệm của mình và thiết lập khung chung cho việc phát triển và sử dụng công nghệ một cách có đạo đức. Như vậy, chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân sau đại dịch cần hiện đại, bao quát nhưng phủ các nhu cầu của con người và trở thành vấn đề thực sự đáng quan tâm, là trách nhiệm của mỗi người hiện nay.