Không tự dùng thuốc điều trị hậu COVID-19
Chiều ngày 17/3, tại họp báo thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Y tế thành phố cho rằng, trước tình trạng rao bán thuốc hậu COVID-19 tràn lan, người dân không nên tự ý mua thuốc uống; Dùng thuốc chưa qua kiểm định, không được kê toa rất nguy hiểm.
Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại cuộc họp báo |
Không tự ý mua thuốc dùng
Sở Y tế cho rằng, thành phố đã có hướng dẫn để một số bệnh viện mở khoa khám và điều trị hậu COVID-19. Vì vậy, người dân nên đăng ký khám chữa bệnh. Từ đó, bác sĩ cho toa thuốc để uống và điều trị chứ không nên tự mua thuốc uống.
Liên quan đến thuốc điều trị COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố vẫn đang thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sử dụng thuốc Molnupiravir. F0 khi dùng thuốc Molnupiravir phải theo toa của bác sĩ. Nghĩa là, khi người dân khai báo F0 xong, nhân viên của trạm y tế xã - phường - thị trấn xuống tận nơi phát thuốc cho F0.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ngoài lựa chọn hình thức cách ly y tế tại nhà có sự hướng dẫn của nhân viên trạm y tế địa phương, người dân có thể dùng loại hình dịch vụ để điều trị COVID-19 như: Phòng khám tư, dịch vụ công.
Mới đây, Bộ Y tế cũng vừa có công điện đề nghị các tỉnh - thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý về thuốc điều trị COVID-19, đặc biết đối với việc bán thuốc không đúng quy định, rao bán thuốc không đúng quy định trên mạng xã hội.
Hơn 60% phụ huynh trẻ mầm non đồng thuận cho con tiêm vaccine
Cũng tại cuộc họp chiều ngày 17/3, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Giáo dục thành phố đang chuẩn bị kế hoạch để tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh.
Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Trịnh Duy Trọng thông tin về công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ |
Ông Trịnh Duy Trọng cho hay, qua khảo sát ý kiến phụ huynh, có 60,49% cha mẹ của trẻ độ tuổi mầm non đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine COVID-19. Cũng theo vị này, đối với cấp tiểu học thì có 81,19% cha mẹ đồng thuận, trung học cơ sở là 87,68%.
Cũng theo ông Trọng, hiện Sở đang chờ kế hoạch chính thức từ UBND TP Hồ Chí Minh để triển khai. Sở đã chỉ đạo các trường lập danh sách, tập huấn và hướng dẫn sử dụng hệ thống tiêm chủng COVID-19, cấp tài khoản điểm tiêm cho các cơ sở giáo dục. Hiện các cơ sở giáo dục đang lập thông tin các trẻ từ 5 - 12 tuổi.
Bên cạnh công tác chuẩn bị, các trường tiếp tục thông tin tuyên truyền để cha mẹ, người giám hộ trẻ đồng thuận tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ.
Thống kê cho thấy, một tháng trở lại đây, số trường học ghi nhận ca nghi nhiễm tại trường học tăng cao. Số ca ghi nhiễm ghi nhận cao ở khối trung học phổ thông, kế tiếp là khối trung học cơ sở. Cụ thể, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3 số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sính là 2,3%. Trong đó, khối mầm non dưới 1%, tiểu học 2,6%, trung học cơ sở 2,4% và trung học phổ thông 3,1%.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài việc trẻ em đi học trực tiếp trở lại làm tăng nguy cơ tiếp xúc, biến chủng Omicron là tác nhân gây bệnh chiếm đa số đối với những người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố”.