Không để bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Y tế tổ chức xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh; Hạn chế nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở mức cao
Mới đây, Bộ Y tế có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên người và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong thời gian từ ngày 10/3 đến 16/4/2022 có hàng trăm vụ bùng phát cúm gia cầm mới trên gia cầm và chim hoang dã được ghi nhận tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung chủ yếu ở Châu Âu; Ngoài ra, còn ghi nhận rải rác trên các khu vực Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng vi rút độc lực cao như H5N1 và H5N8 gây ra.
Mặc dù trên thế giới và tại Việt Nam một vài năm gần đây không ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới và tại Việt Nam thì nguy cơ cúm gia cầm lây nhiễm sang người tại Việt Nam là đáng kể.
Hiện tại ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người. Hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm/H5N1 tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kon Tum chưa qua 21 ngày…
Các địa phương cần có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng |
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các loại dịch bệnh trên vật nuôi ở Việt Nam thời gian qua như: Tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, số lượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng còn thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng.
Mặt khác, các loại dịch bệnh mới trên vật nuôi có nguy cơ tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam do lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng. Rất đáng lo ngại là những dịch bệnh có khả năng lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1.
Chủ động giám sát, ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Theo dự báo, thời gian tới nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao do nhiều loại mầm bệnh lưu hành trên phạm vi rộng, trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm lại lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, chưa đủ điều kiện chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết hiện nay mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện cho mầm bệnh dễ sinh sôi. Vius cúm gia cầm lưu hành tại một số nơi với tỷ lệ khá cao. Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng mạnh vào đầu năm, cho nên dịch rất dễ lan rộng.
Nếu không quyết liệt phòng, chống thì nguy cơ một số chủng vius cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2,...) có thể sẽ xâm nhiễm vào nước ta thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu Báo cáo của Bộ Y tế chủ động phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; Đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập, không để bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam.
Bộ Y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; Tổ chức xây dựng phương án, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Hạn chế nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi là biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm |
Các chuyên gia cho rằng, để giữ vững tăng trưởng chăn nuôi trong năm 2022, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả trong bối cảnh ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19, cần triển khai ngay một số giải pháp như: Bố trí các nguồn lực tổ chức có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện.
Tiếp tục xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh bảo đảm những tiêu chí của Tổ chức Thú y thế giới (hiện cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác).
Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; Cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin, bởi đây là phương thức phòng bệnh hữu hiệu nhất; Rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin cho vật nuôi phòng các dịch bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò) bảo đảm tối thiểu hơn 80% tổng đàn; Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới…