Chỉ trong 1 đơn thuốc, bệnh nhân này phải chi trả hơn 400 nghìn đồng cho thuốc điều trị, nhưng lại phải chi đến hơn 4,8 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng. Ảnh: PV
Đơn thuốc 5,2 triệu thì 4,8 triệu là tiền thực phẩm chức năng
Luật Khám chữa bệnh cấm y bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Điều 4, Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29/2/2016 của Bộ Y tế về việc ghi đơn thuốc cũng quy định rõ: Bác sĩ không được phép kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Thế nhưng, sau nhiều ngày chúng tôi ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, việc kê đơn thuốc kèm thực phẩm chức năng đã diễn ra rất phổ biến tại đây.
Đang vui mừng vì được xuất viện sau nhiều ngày nằm viện điều trị bệnh viêm màng não mủ, gương mặt anh T.V.Q (ở Hà Nội) như sầm lại khi được dược sĩ và nhân viên tại Nhà thuốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 1, đường Giải Phóng, Hà Nội) thông báo về số tiền phải trả cho một đơn thuốc
Đơn thuốc của anh Q được bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê đơn gồm 3 sản phẩm là Tebexerol 125 mg (Immunoxel); ETEX BENKIS (Thymomodulin 80mg) và Herarian (L-gluthion, a-lipoic Acid, b-glucan, silymarin). Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 3 sản phẩm này có tới 2 loại thực phẩm chức năng.
Đơn thuốc này được viết bằng tay, có 3 loại thuốc thì 2 loại là thực phẩm chức năng. Ảnh: PV
Các thông tin về cả 2 sản phẩm Tebexerol và Herarian đều được ghi rõ là sản phẩm này không phải là thuốc và không dùng thay thế cho thuốc chữa bệnh. Thế nhưng bác sĩ bệnh viện này lại kê lẫn vào đơn thuốc, không hề khuyến cáo cho bệnh nhân.
Đáng chú ý, giá 2 loại thực phẩm chức năng được kê kèm với đơn giá hơn 860 nghìn đồng 1 lọ Tebexerol 125 mg, bệnh nhân phải mua 3 lọ, số tiền cho loại thực phẩm chức năng này lên tới gần 2,6 triệu đồng. Một loại thực phẩm chức năng khác là Herarian, bệnh nhân phải mua 60 viên, với đơn giá 36,6 nghìn đồng/viên, bệnh nhân đã phải chi trả gần 2,2 triệu đồng.
Như vậy, chỉ trong 1 đơn thuốc mà bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê, với tổng trị giá hơn 5,2 triệu đồng nhưng bệnh nhân này phải chi trả hơn 400 nghìn đồng cho thuốc điều trị, nhưng lại phải chi đến hơn 4,8 triệu đồng để mua thực phẩm chức năng.
Bệnh nhân và người nhà mua thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: PV
Bác sĩ cứ kê đơn là bệnh nhân sẽ mua
Trong những ngày chúng tôi ghi nhận tại đây, trường hợp như anh Q không phải là hiếm. Rất nhiều đơn thuốc của bệnh nhân đã được bác sĩ kê đơn theo kiểu "nhập nhèm", kèm theo nhiều loại thực phẩm chức năng.
Cầm tờ phiếu xuất thuốc với 4 loại sản phẩm là Barcavir 0.5 mg, Vihacaps 600mg, Hepa-Nic Extra và Avagold với tổng số tiền phải thanh toán là gần 6,2 triệu đồng, bệnh nhân D.T.N (Hà Nội) vừa lắc đầu than thở, vừa rút hết số tiền trong ví ra để chi trả.
Trong đơn thuốc này, bà N đã phải chi trả số tiền hơn 2,3 triệu đồng cho 2 loại thực phẩm chức năng là Vihacaps và Avagold được kê chung với thuốc điều trị.
Các loại thực phẩm chức năng mà bác sĩ kê chung vào đơn thuốc của bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: PV
Tương tự, trong một đơn thuốc khác, bệnh nhân Đ.V.C (Hà Nội) phải chi trả số tiền hơn 2,2 triệu đồng cho 4 loại sản phẩm được kê đơn cùng 1 đơn thuốc. Thế nhưng, chỉ riêng một loại thực phẩm chức năng có tên Hacumin được kê kèm vào đơn thuốc đã có giá hơn 1 triệu đồng cho 60 viên.
Các bệnh nhân và người nhà đều cho hay cứ đơn bác sĩ kê đơn là họ sẽ mua, chứ cũng không được giải thích đâu là thuốc, thế nào là thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, trong các đơn thuốc do bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới kê, có nhiều loại thuốc chỉ mua được ở nhà thuốc của bệnh viện này và đều có giá rất cao. Bệnh nhân chỉ biết "cắn răng" bỏ ra tiền triệu để chi trả.
Thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ trong công tác điều trị, nhưng việc lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị phải do bệnh nhân lựa chọn, phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.
Bác sĩ tuyệt đối không được kê thêm thực phẩm chức năng trong đơn thuốc điều trị, bởi điều này sẽ làm tăng thêm gánh nặng về tài chính cho bệnh nhân, đặc biệt những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Việc kê đơn theo kiểu "bia kèm lạc" của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không những vi phạm luật mà việc làm này còn thể hiện sự lập lờ, không minh bạch, khiến người bệnh bị "móc túi" không thương tiếc.