Hội Bác sĩ tình nguyện: Hành trình mang sức khỏe lên xứ Lạng

Liên tục từ 5 giờ sáng đến lúc trời tối mịt, trong cái rét ngọt đầu đông ở vùng núi Lạng Sơn, những chiến sĩ “áo vàng” căng mình chạy đua với thời gian, cố gắng khám được hết số người dân đến với mình. Bằng trái tim nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, những bác sĩ, tình nguyện viên Hội Bác sĩ tình nguyện đã có một ngày khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng sách vô cùng ý nghĩa tại xã Hữu Liên và Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Những trái tim thiện nguyện

Sau những ngày nắng nóng, miền Bắc bất chợt đón đợt gió lạnh đầu tiên tràn về. Sự thay đổi nhanh chóng của thời tiết khiến những người khỏe cũng phải ngao ngán, vậy mà hơn 100 thành viên Hội Bác sĩ tình nguyện, gồm cả già trẻ, lớn bé vẫn hăm hở lên đường với hành trình “Về miền thảo nguyên xứ Lạng”.

Trong số các thành viên, nhiều người đến từ những vùng đất, công việc khác nhau. Họ tạm gác việc cá nhân, vội vã lên chuyến xe chiều cuối tuần để kịp tới Hữu Lũng trước nửa đêm. Ngày mai sẽ là một ngày rất bận!

Chợp mắt chưa đầy 5 giờ đồng hồ, trong cơn mưa lâm thâm, cả đoàn đổ bộ vào sân UBND và Trạm Y tế xã Hữu Liên. Như đã nắm rõ việc của mình, ai nấy đều khẩn trương và một “bệnh viện dã chiến” nhanh chóng được triển khai. Hôm nay, những người khuyết tật, trẻ mồ côi, người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách sẽ được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và sàng lọc bệnh tim.

Như thường lệ, bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện kiểm tra một vòng để chắc chắn mọi thứ đã sẵn sàng. “Bệnh viện” sẽ đón gần 1.500 người đến khám. Bác sĩ Tuấn Anh cho biết: “Hội được thành lập từ năm 2015, đây là lần thứ 57 Chương trình Chung tay vì sức khỏe cộng đồng được triển khai. Mỗi số đều thu hút hàng trăm bác sĩ, tình nguyện viên từ sinh viên đến những người đã nghỉ hưu. Bất cứ ai cùng chung mục tiêu cũng có thể đăng ký tham gia”.

Người dân huyện Hữu Lũng đến khám tại chương trình do Hội Bác sĩ tình nguyện tổ chức.
Các "phòng khám" luôn đông kín người. 

Khi lớp mây vẫn phủ kín dãy núi xa xa, nhiều người dân đã lấp ló ngoài cửa với ánh mắt vui tươi. Làm sao không hồ hởi bởi lần đầu tiên có một đoàn bác sĩ “Trung ương” về thăm khám miễn phí, lại còn có quà mang về. Khắp các “phòng khám”, từ tổng quát đến siêu âm, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, X-quang, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sản phụ khoa, ai nấy đều rất tuân thủ ngồi xếp hàng. Tranh thủ trò chuyện với nhau, bà Nông Thị Hợp ở thôn Liên Hợp phấn khởi cho biết: “Hôm nay tôi cùng con dâu và cháu nội đi khám. Mừng lắm, mọi khi phải lặn lội lên thành phố khám rất tốn kém. Lâu rồi tôi chưa đi khám, nay bác sĩ mang máy móc về tận nơi khám tôi rất yên tâm”.

Nhận chiếc kính được tặng sau khi khám mắt, bà Đặng Thị Phẩy, 76 tuổi, người dân tộc Dao được các bác sĩ hướng dẫn tận tình cách sử dụng. Bà Phẩy nói: “Vì mắt nhìn không rõ nên dù nhà xa tôi cũng đi khám. Rất may chỉ cần đeo kính vào là nhìn được. Bác sĩ còn cho thuốc mang về nữa”.

Trong những căn phòng chật hẹp, bệnh nhân vây quanh nhưng các bác sĩ vẫn hết sức tập trung, miệt mài với công việc của mình. Họ biết mỗi chẩn đoán của mình là sức khỏe, là hạnh phúc của người dân. Còn các tình nguyện viên, với vai trò điều bệnh, họ là cầu nối tin cậy để những cuộc thăm khám diễn ra đúng quy trình nhưng tràn đầy sự chia sẻ. Khu vực ngoài sân cũng hết sức sôi nổi với hoạt động phát quà tặng, cắt tóc miễn phí và có cả một “thợ ảnh” ghi lại những khoảnh khắc đẹp của mỗi người đến khám và in tặng trực tiếp. Mỗi người đến nhận quà là nhận thêm những nụ cười và lời thăm hỏi của cô Tạ Thị Thu và Nguyễn Thị Hiên. Hai cô là thành viên lớn tuổi và tham gia Hội từ những số đầu tới nay. Cô Thu chia sẻ: “Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, được đến những vùng đất mà nếu không vào Hội sẽ không bao giờ tới. Đi theo người trẻ khiến chúng tôi thấy mình trẻ ra và khỏe hơn. Để được tham gia, ngoài sức khỏe, bạn phải có lòng nhiệt tình, sự trung thực và minh bạch”.

Những món quà được Hội Bác sĩ tình nguyện trao tận tay người dân. 

Kết nối yêu thương

Cách đó vài trăm mét, không khí tại Trường THCS Hữu Liên náo nhiệt hơn rất nhiều bởi Chương trình “Sách cho em” với chủ đề “Tuổi hồng bừng sáng ước mơ” tặng sách, vở, truyện thiếu nhi và giao lưu với các thầy cô, học sinh. Cùng với đó là Chương trình “Rửa tay, đánh răng đúng cách đề phòng các bệnh thông thường và hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu”.

 Dưới sự dẫn dắt của đội tình nguyện viên Hội Bác sĩ tình nguyện, các em học sinh hào hứng tham gia các hoạt động. 

Mặc cho những cơn mưa như trút nước, cả học sinh khối tiểu học và THCS đều rất thích thú với phần giới thiệu và hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả của tình nguyện viên Đặng Ly, hiện là biên tập viên của một công ty sách. Những trò chơi do chị Ly dẫn dắt đã dần giúp các em cách hiểu nội dung một cuốn sách nhanh hơn, để việc đọc thấy dễ dàng hơn, cũng như kỹ năng ghi nhớ, kể lại cho bạn bè. Chị Ly chia sẻ: “Hy vọng là từ số sách ít ỏi này nhà trường có thể tăng cường hoạt động đọc và có một tủ sách ngày càng lớn hơn. Tham gia vào hoạt động, tôi cũng vỡ ra được nhiều điều cho công việc biên tập sách, ngôn ngữ làm sao để các em ở vùng sâu, vùng xa có thể hiểu được những điều sách nói”.

Lần đầu tiên tham gia Hội, với vai trò là người điều phối, dạy học sinh các kỹ năng chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu, bạn Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang, sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y Hà Nội đã thành công trong việc phá tan sự ngại ngùng của học sinh. Cả “rừng” cánh tay giơ lên “đòi” trả lời mỗi khi Trang dứt câu hỏi. Cùng với đó là những tràng cười trên gương mặt thơ ngây của các em trước sự giải thích rất dí dỏm, dễ hiểu của Trang. Các kiến thức y khoa cơ bản dành cho lứa tuổi thiếu niên cứ thế đến với các em rất tự nhiên.

Hướng dẫn các em cách sơ cứu. 

Trời đã nhập nhoạng tối, các hoạt động dần thu hẹp lại, duy chỉ có bộ phận phát thuốc vẫn sáng đèn nhộn nhịp. Nhóm dược vẫn rất tỉ mẩn với từng đơn thuốc kèm theo đó là sự chỉ dẫn cặn kẽ. Dù mệt nhoài nhưng trên gương mặt các thành viên của Hội ai nấy đều vui vì một ngày làm việc hiệu quả khi bác sĩ Ngô Tuấn Anh thông báo tổng kết chương trình số 57. Đã có 2.702 lượt người dân được khám chuyên khoa, 745 đơn thuốc đã cấp; đã có 2 ca tim mạch có chỉ định phẫu thuật; đã tặng đồ dùng và trang thiết bị cho Trạm y tế xã Hữu Liên… Tổng giá trị thực hiện cho toàn bộ chương trình hơn 190 triệu đồng.

Lần đầu tiên tham gia cùng chương trình, ông Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam bày tỏ: “Cách làm tận tâm, chuyên nghiệp của từng hội viên đã giúp năng suất công việc rất hiệu quả. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa với cộng đồng. Mong hai bên tiếp tục có cơ duyên đồng hành”.

Bác sĩ Ngô Tuấn Anh (áo vàng), Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện trao quà và sách tặng nhà trường. 

Chia tay với hành trình nhiều cảm xúc, tôi nhớ mãi lời chia sẻ của bác sĩ Ngô Tuấn Anh ở trạm dừng chân: “Sau mỗi chuyến đi, điều mình mong muốn thì nhiều nhưng quan trọng nhất là mình mang lại giá trị gì cho người dân, trong đó có giá trị về sức khỏe và duy trì được việc đó. Đây là việc không dễ, sau khi khám cho bà con, phát hiện ra những bệnh phải can thiệp mổ, mình tư vấn và sẽ tiếp tục hỗ trợ họ sau này, có những bệnh phải điều trị suốt đời… Đó là cả quá trình tiếp tục, chứ không đơn giản khám xong đi về. Một cá nhân có thể không làm được nhiều, nhưng nếu có nhiều người, chúng ta có thể làm được việc lớn hơn nữa. Điều đó cần sự chung sức, chung lòng của cả cộng đồng”.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...