Giảm thiểu sự cố y khoa - mục tiêu sống còn của hệ thống y tế
Chất lượng khám, chữa bệnh và sự an toàn của người bệnh là vấn đề sống còn của các cơ sở y tế. Trọng tâm của công tác an toàn người bệnh chính là ngăn ngừa, giảm đến mức thấp nhất sự cố y khoa bởi an toàn người bệnh được coi là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam cũng như trên thế giới.
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022 mới đây, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin: "Ít nhất 5 người bệnh chết mỗi phút do chăm sóc y tế không an toàn, trong đó có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được và 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra. Phải phòng ngừa sự cố y khoa, không để sự cố y khoa xảy ra rồi mới khắc phục. Chăm sóc y tế không an toàn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới”.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho bệnh nhân. |
PGS, TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm, tại Việt Nam, từ năm 2019 đến tháng 8-2022, có 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa. Trong đó, 1/3 số lượng sự cố được báo cáo là có thể ngăn chặn được, chưa xảy ra. Với sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều (chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến Trung ương và hơn 18% sự cố về thuốc tại bệnh viện tỉnh, thành phố). Còn tại bệnh viện tuyến quận, huyện, sự cố gặp nhiều nhất (gần 24%) do nhầm thuốc và thứ hai là nhầm liều (chiếm 10%). PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Bác sĩ khi kê đơn thuốc cần kê đúng thuốc, đúng người, đúng bệnh. Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả. Với điều dưỡng khi thực hiện thuốc, cần bảo đảm 5 đúng, gồm: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian”.
Theo bà Escalante Socorro, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và các tổn hại có liên quan đến thuốc. Mỗi người trên thế giới vào một thời điểm nào đó trong đời sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, thuốc đôi khi gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách hoặc không được theo dõi đầy đủ. Các hành vi sử dụng thuốc không an toàn và sự cố về sử dụng thuốc là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn hại (có thể phòng tránh được) trong việc chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.
Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn, làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí tử vong...
Bởi vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm, nhân viên y tế là then chốt, an toàn cho người bệnh là ưu tiên số 1”. Đó là các văn bản hướng dẫn triển khai 6 mục tiêu an toàn người bệnh của WHO, như: Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện; thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nhiều văn bản về lĩnh vực an toàn trong công tác dược lâm sàng. Tuy nhiên, sự cố và các rủi ro luôn tiềm ẩn đối với mọi ngành nghề. Đặc biệt đối với dịch vụ y tế mang tính đặc thù, nguy cơ về sự cố y khoa luôn thường trực, trong đó có các sự cố liên quan đến bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng thuốc. Việc bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm, kê sai, trình độ chuyên môn kém, chẩn đoán chậm, không chính xác cũng gây mất an toàn người bệnh, khiến bệnh nhân mất niềm tin, đổ xô về các bệnh viện tuyến Trung ương để chữa trị gây quá tải.
An toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa. Đây thực sự là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực trên toàn hệ thống y tế-từ cơ sở hạ tầng an toàn, sử dụng công nghệ và thiết bị y tế an toàn, quản lý và sử dụng thuốc đúng chất lượng, bệnh nhân được thông tin rõ ràng, nhân viên y tế lành nghề và tận tâm. Một môi trường làm việc thuận lợi mới có thể cải thiện an toàn và chất lượng chăm sóc người bệnh.
Bài và ảnh: AN AN