Giải thoát về cân nặng cho người thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì đang là căn bệnh thời hiện đại và ngày càng gia tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo hệ lụy về các bệnh lý khác.
Bệnh béo phì cần được điều trị sớm
Tái khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau hai tuần phẫu thuật chữa béo phì, chị VAT (21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho biết, chị đã giảm từ 115kg xuống 100kg. Chị cho biết, trước đây, mặc dù áp dụng đủ các biện pháp giảm béo từ nhịn ăn tinh bột, tập gym đến uống thuốc giảm cân... có lúc chị giảm được 5-7kg, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại tăng cân trở lại. Nghiêm trọng hơn, béo phì khiến chu kỳ kinh nguyệt của chị rối loạn, thậm chí có thời gian bị tắc kinh. Sau phẫu thuật chị giảm được 15kg. Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) chia sẻ về một bệnh nhân nam ở Đà Nẵng cũng phẫu thuật thu nhỏ dạ dày tại bệnh viện. Trước khi được phẫu thuật, bệnh nhân cao gần 1,8m và nặng hơn 160kg. Do ngoại hình to béo nên bệnh nhân thường tự ti trong giao tiếp, cùng với đó là hàng loạt bệnh phát sinh như tiểu đường, huyết áp cao, đau khớp xuất hiện. Sau hơn một năm phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng, bệnh nhân giảm xuống còn 95kg, cuộc sống thay đổi tích cực hơn.
Bệnh nhân đến khám lại sau phẫu thuật tạo hình dạ dày. ẢNH: KIM OANH |
GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đối với người béo phì, việc giảm cân là rất cần thiết nhưng cần lựa chọn cho mình biện pháp phù hợp. Có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị béo phì như thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể lực... đã đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Vì vậy, phẫu thuật chữa bệnh béo phì được các chuyên gia y khoa tính đến như một trong những phương pháp chữa bệnh khá chủ động, bền vững, có tác dụng làm giảm cân nặng rất hiệu quả. GS, TS Trần Bình Giang cho biết thêm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật hơn 200 ca béo phì. Theo dõi các trường hợp phẫu thuật béo phì tại bệnh viện cho thấy cân nặng trung bình của mỗi bệnh nhân sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35kg. Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo đã khiến các bệnh như đái tháo đường, mỡ máu... gần như biến mất. Một số bệnh nhân nữ có thân hình “quá khổ” lập gia đình nhiều năm không có con nhưng đã được làm mẹ sau hai năm phẫu thuật điều trị béo phì.
Cần được điều trị bởi các chuyên gia
GS, TS Trần Bình Giang cho biết, béo phì là một bệnh lý cần được điều trị bởi các chuyên gia y tế và những phương tiện chuyên biệt. Giảm chế độ ăn, tăng cường tập luyện, dùng thuốc là các phương pháp điều trị thông thường nhưng không có tác dụng về mặt lâu dài. Người béo phì khi tăng cường tập thể dục, áp dụng chế độ ăn nghiêm ngặt nhưng cũng chỉ giảm tạm thời, có người sau một thời gian còn béo hơn lúc chưa giảm. Theo phân loại với người châu Á, một người thể trọng bình thường (không phải người mang thai) có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức từ 18,5 đến 23. BMI trong khoảng 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân, tiền béo phì; BMI từ 25 đến 30 là béo phì độ 1; từ 30 đến 35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3. Bệnh béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, xương khớp, vô sinh... “Số tử vong do béo phì bằng 3 lần tổng số tử vong do ung thư đại trực tràng và ung thư vú. Hơn 93% phụ nữ béo phì bị đái tháo đường type 2, tỷ lệ này với nam là 42%", GS, TS Trần Bình Giang thông tin.
Chia sẻ về phương pháp nội soi tạo hình dạ dày ống đứng, bác sĩ Bùi Thanh Phúc cho biết: Đây là phương pháp cắt bỏ một phần dạ dày theo chiều dọc để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói. Phương pháp này không chỉ giúp người bệnh giảm cân mà còn giải quyết được các bệnh chuyển hóa đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, đau khớp, gan nhiễm mỡ. Do phẫu thuật bằng phương pháp nội soi nên vết mổ rất nhỏ, không chảy máu, tránh nguy cơ nhiễm trùng so với mổ mở, thời gian nằm viện ngắn, nhanh phục hồi. Qua theo dõi 21 trường hợp được phẫu thuật gần đây với những người bệnh có chỉ số BMI từ 40 với số cân nặng trung bình từ 103 đến 162kg, sau 12 tháng giảm từ 48 đến 90kg. Các bệnh lý liên quan đến tình trạng béo phì của người bệnh cũng giảm đáng kể, đặc biệt là sự thay đổi trong tương tác giữa các hormone và cơ quan tiêu hóa làm giảm cơn đói và tăng chuyển hóa.
Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Thanh Phúc nhấn mạnh, phẫu thuật chỉ là một phần rất nhỏ trong cả quá trình điều trị béo phì. Điều trị bệnh béo phì là một liệu trình toàn diện cả chế độ sinh hoạt, điều trị từ nội khoa đến điều trị tâm lý và ngoại khoa. Người bệnh trước khi phẫu thuật nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Phẫu thuật béo phì muốn thành công đòi hỏi bệnh nhân phải áp dụng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì lối sống lành mạnh lâu dài.
DIỆP CHÂU