Đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêm phòng để ngăn dịch sởi

Để chặn đứng chuỗi lây nhiễm sởi, tỉ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cần đạt tối thiểu 95%. Hiện các địa phương trên cả nước đang tăng tốc tiêm phòng, tiêm bù, tiêm vét, đặc biệt tại những khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhằm ngăn nguy cơ bùng phát dịch.

Đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêm phòng để ngăn dịch sởi

Tiêm chủng vaccine cho trẻ trước diễn biến phức tạp của dịch sởi. Ảnh: Hải Nguyễn

Nguy cơ lây nhiễm cao, vaccine là vũ khí duy nhất

Một bé 44 tháng tuổi tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tử vong do biến chứng sởi, gióng lên cảnh báo về sự lây lan và nguy hiểm của căn bệnh. Tiến sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, sởi có thể lây cho 18 người và tiêm vaccine càng sớm càng tốt để phòng bệnh.

Sởi có thể lây từ 4 ngày trước khi phát ban, thậm chí không phát ban vẫn có thể lây nhiễm. Bệnh lây qua tay, quần áo, đồ dùng, khiến việc kiểm soát khó khăn. Người lớn mắc sởi thường có triệu chứng nhẹ nhưng lại lây lan cho trẻ nhỏ, thai phụ và người cao tuổi.

Theo các chuyên gia, những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vaccine hoặc chưa mắc sởi) có nguy cơ cao trong dịch sởi. Tiến sĩ Khanh nhấn mạnh, để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, tỉ lệ tiêm sởi cần đạt 95% trở lên.

TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, phần lớn các ca mắc sởi hiện nay là trẻ em từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, chiếm 72,7%. Đặc biệt, hơn 95% bệnh nhân chưa tiêm vaccine hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng. Dịch sởi chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nhưng cũng đang gia tăng ở các tỉnh miền núi.

Mặc dù tình hình dịch sởi có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn cần sự thận trọng và tiếp tục giám sát chặt chẽ các ca nghi mắc tại các tỉnh, đặc biệt là ở những khu vực dân tộc thiểu số và khó tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ như khoanh vùng, dập dịch và đẩy mạnh tiêm chủng, tình hình dịch bệnh hiện đang được kiểm soát tốt.

Các tỉnh, thành phố đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine theo Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15.3.2025 của Chính phủ, triển khai chiến dịch tiêm vaccine đợt 2 năm 2025 tại 54 tỉnh, thành phố.

Cục Phòng bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục giám sát dịch bệnh sát sao, phối hợp với các viện y tế để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp kịp thời. Các huyện có số ca mắc cao sẽ được ưu tiên tiêm chủng, đảm bảo hoàn thành chiến dịch trong tháng 3.2025. Đồng thời, các địa phương cũng cần triển khai tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét hằng tháng và phối hợp với truyền thông để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và vận động người dân tiêm vaccine đầy đủ.

Cán bộ trạm y tế xã Khe Mo khám và rà soát đối tượng tiêm chủng vaccine cho trẻ trước diễn biến phức tạp của dịch sởi. Ảnh: Thùy Linh

Cán bộ trạm y tế xã Khe Mo khám và rà soát đối tượng tiêm chủng vaccine cho trẻ trước diễn biến phức tạp của dịch sởi. Ảnh: Thùy Linh

Tăng tốc phát triển vaccine điều trị

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vaccine, trong đó ít nhất 5 loại được sản xuất trong nước, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã phát triển hệ thống tiêm chủng với khoảng 30 bệnh truyền nhiễm, tự sản xuất vaccine bại liệt từ 1962 và nhiều loại vaccine khác như tả uống, viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Năm 2005, vaccine viêm não Nhật Bản xuất khẩu sang Ấn Độ, mở đường cho vaccine Việt Nam ra quốc tế.

Năm 2015, WHO công nhận Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vaccine, và năm 2016, Việt Nam tự sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella. Đến 2023, Việt Nam xuất khẩu 1 triệu liều vaccine sởi sang Ấn Độ và ra mắt vaccine thế hệ mới phòng viêm màng não và dịch tả lợn châu Phi. Việt Nam hiện có 8 trung tâm nghiên cứu vaccine, 11/12 loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, và đang nghiên cứu vaccine thế hệ mới như cúm gia cầm H5N1, ứng dụng công nghệ mRNA và vector virus.

Bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, nhưng tại các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc giảm rõ rệt. Trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa thuộc diện tiêm chủng, có tỉ lệ mắc sởi tăng, chiếm hơn 15%, có thời điểm vượt 20% do miễn dịch từ mẹ không đủ bảo vệ.

Vaccine sởi có hiệu quả cao, giúp cơ thể tạo kháng thể chống virus, giảm nguy cơ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng khi nhiễm. Công nghệ vaccine ngày càng phát triển, hứa hẹn nâng cao hiệu quả phòng bệnh trong tương lai.

Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - cho biết: Hiện Việt Nam có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 17 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU. Năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng đang gặp nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Mạnh Hùng, sản phẩm được chuyển giao phần lớn vẫn là các sinh phẩm thông thường, chưa bao gồm nhiều sản phẩm đột phá hay các công nghệ tiên tiến như mRNA, công nghệ tái tổ hợp, hoặc các dạng bào chế công nghệ cao. Về nguyên nhân của tình trạng này theo ông Hùng do hạn chế về nguồn lực như thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu và sản xuất còn hạn chế.

TS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - cũng thừa nhận những khó khăn khi phát triển vaccine đòi hỏi đầu tư lớn, trang thiết bị chuyên sâu và đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Nghiên cứu về an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine trong 10 - 15 năm là thách thức, cùng với việc chuyển giao công nghệ và sở hữu bản quyền. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành 5 chương trình, trong đó có chương trình riêng cho nghiên cứu, sản xuất vaccine. Ngành ưu tiên 4 dự án khoa học công nghệ đột phá, trong đó có dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine mRNA.

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM, nhiều trẻ nhập viện điều trị sởi, có trường hợp bệnh nặng như suy hô hấp. Đa số các trường hợp bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành lân cận tại TPHCM. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm vaccine sởi.

* Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, có đến 90% bệnh nhi được chuyển đến từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre…

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, hầu như các ca nhập viện đều có biến chứng, phổ biến nhất là viêm phổi chiếm gần 80% ca bệnh. Có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhi nhập viện vì mắc sởi là trẻ chưa được tiêm vaccine, trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine nhưng bị lây từ người khác và phụ huynh không cho trẻ tiêm vaccine.

* Tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện đơn vị điều trị khoảng 8 trường hợp trẻ bệnh sởi. Tất cả bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành lân cận TPHCM. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, các biến chứng như suy hô hấp, ít gặp hơn là sốc nhiễm trùng.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay, trong các trường hợp này, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi hoặc tâm lý phụ huynh lo ngại tiêm khi trẻ đang có các bệnh lý khác.

Để bảo vệ cho trẻ, bác sĩ Việt nhấn mạnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine ngừa bệnh sởi. Bởi sau tiêm ngừa, cơ thể sẽ tạo được kháng thể, tự bảo vệ khi trẻ gặp virus sởi hoặc nếu mắc bệnh sẽ ở tình trạng nhẹ. Nếu phụ huynh còn vướng mắc về các bệnh lý cần hạn chế chích ngừa sởi, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn. Tránh để trẻ mắc bệnh sởi nặng, trong khi có thể phòng tránh được. 

THANH CHÂN

Lượt xem: 12
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...