Cứu cánh cho cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các nước nghèo

Năng lượng mặt trời đang được coi là giải pháp cứu cánh cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở những nước nghèo, nơi có hệ thống điện không ổn định.

The Guardian dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 1 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe có kết nối điện ổn định, trong đó có 433 triệu người ở các nước có thu nhập thấp dựa vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe không có điện.

Điện là nguồn sống của một cơ sở chăm sóc sức khỏe, không chỉ cung cấp năng lượng cho các thiết bị như máy thở và máy đo nhịp tim mà còn cung cấp các tiện nghi cơ bản như ánh sáng. Nếu không có điện, ngay cả bệnh nhân mắc bệnh thông thường cũng có thể tử vong hoặc bị biến chứng. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở những quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên phải ngừng hoạt động do mất điện. Trong khi việc thiếu ánh sáng khiến bệnh nhân phẫu thuật gặp rủi ro, thì nguồn năng lượng không ổn định cũng làm cho các phương pháp điều trị lâu dài như lọc máu không thể thực hiện được. Khi các bệnh không lây nhiễm (NCD) như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường... gia tăng, các cơ sở chăm sóc sức khỏe thiếu điện cũng đối mặt với áp lực lớn hơn.

Tại Zambia, 60% dân số ở nông thôn không được tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe có điện. Thậm chí, ngay cả ở những bệnh viện lớn được kết nối với lưới điện quốc gia, nguồn cung cấp điện cũng rất thất thường. Anh Emmanuel Makasa, bác sĩ phẫu thuật ở Zambia, người đôi khi phải làm việc bằng đèn pin hoặc ánh sáng từ điện thoại di động, cho biết: “Đôi khi đèn trong phòng mổ tắt mà không báo trước, đồng nghĩa với việc máy thở cũng tắt theo. Bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thế giới cũng không thể làm tốt công việc của mình nếu anh ta không thể nhìn thấy những gì mình đang làm”. Để ứng phó với tình trạng nguồn điện không ổn định, anh Makasa đã mua một chiếc đèn pha phẫu thuật. Thiết bị này giúp anh bớt lo lắng hơn khi bước vào phòng mổ vì không có gì tồi tệ hơn việc không cứu sống được bệnh nhân hoặc kết quả phẫu thuật không tốt do mất điện. Anh Makasa than thở: “Chúng tôi tự hỏi, vì sao sống ở vùng đất có ánh sáng mặt trời, một nguồn năng lượng tiềm năng, nhưng chúng tôi vẫn gặp phải những vấn đề này”.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân tại phòng khám sử dụng năng lượng mặt trời ở Nigeria. Ảnh: AFP 

Theo ông Hippolite Amadi, Giáo sư kỹ thuật sinh học tại Trường Đại học Imperial College London (Anh), không thể xác định được có bao nhiêu người tử vong mỗi năm vì mất điện. Bởi lẽ, không ai ghi “mất điện” là nguyên nhân tử vong trong giấy chứng tử. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bệnh nhân ở các nước thu nhập thấp và trung bình tử vong vì mất điện và thiếu ánh sáng. Khi không có điện, nhân viên y tế có thể đưa nhầm thuốc cho bệnh nhân hoặc bác sĩ phẫu thuật làm việc trong bóng tối mắc sai lầm. Việc thiết bị hỗ trợ sự sống bị ngắt đột ngột do mất điện cũng khiến bệnh nhân tử vong. Ông Amadi đã làm việc để cung cấp năng lượng mặt trời cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở bang Niger của Nigeria. Vào tháng 10 vừa qua, máy thở cho trẻ sơ sinh chạy bằng năng lượng mặt trời của ông Amadi đã nhận được giải thưởng khoa học Nigeria và lời khen ngợi từ Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu vì đã giúp cho trẻ em Nigeria sống sót. Hiện nay, bang Niger đang đặt mục tiêu điện khí hóa tất cả cơ sở chăm sóc sức khỏe bằng năng lượng mặt trời trong năm tới. 

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sắp tới ở thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các chuyên gia dự kiến sẽ thảo luận về khả năng cung cấp năng lượng mặt trời cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở các nước nghèo, qua đó chấm dứt nguy cơ bệnh nhân tử vong do mất điện. Ông Salvatore Vinci, cố vấn về năng lượng bền vững tại WHO và là thành viên của phái đoàn WHO tham dự COP28, cho biết, trong 10 năm qua, giá của các module quang điện đã giảm 90% và giá thành của pin đã giảm trung bình 60%. Do đó, có thể triển khai hệ thống năng lượng mặt trời đáng tin cậy và hiệu quả về mặt chi phí tại một cơ sở chỉ trong vài ngày. “Chúng ta không cần phải đợi thêm nữa. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế cam kết về thời hạn và nguồn tài trợ để điện khí hóa tất cả cơ sở chăm sóc sức khỏe bằng năng lượng mặt trời. Chúng ta hiện có những giải pháp mà 10 năm trước không có. Ngày nay, không có lý do gì khiến trẻ sơ sinh phải tử vong do không có điện để cung cấp năng lượng cho lồng ấp”.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...