Cơ hội tìm lại ánh sáng cho người mù

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (Sở Y tế TP Hà Nội) chính thức ra mắt Ngân hàng mô, đồng thời phát động đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc. Đây cũng là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô, giác mạc, tạo thêm cơ hội để người mù được ghép giác mạc sớm.

Theo PGS, TS Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2: Hiện nước ta có khoảng 30.000 người bị mù do các bệnh về giác mạc. Tại Việt Nam, phẫu thuật ghép giác mạc được thực hiện lần đầu tiên từ năm 1950 nhưng số lượng còn rất ít do khan hiếm nguồn giác mạc.

Khi Ngân hàng mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương ra đời đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của phẫu thuật ghép giác mạc, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ghép giác mạc của hàng vạn người bệnh. 

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám cho bệnh nhân. Ảnh do Bệnh viện cung cấp

"Nhằm san sẻ sự quá tải trong hệ thống công lập, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, phát triển lĩnh vực ghép giác mạc để góp phần cứu chữa những người có bệnh lý về giác mạc. Cùng với Ngân hàng mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ đồng hành tuyên truyền, vận động mọi người hiến tặng mô, tạng, giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người bệnh không may bị mù do các bệnh lý giác mạc gây ra”, PGS, TS Hoàng Thị Minh Châu thông tin.

Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4-2007, đến nay, cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc, trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). Đã có hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời... GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, khi một người qua đời, nếu giác mạc của họ được hiến tặng, nó có thể sẽ mang lại ánh sáng cho hai người khác. Đây là hành động nhân ái, góp phần mang lại sự sống mới cho người bệnh.

Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Chị Nguyễn Trần Thùy Dương - mẹ của bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi (ở Hà Nội), qua đời năm 2018 vì bệnh ung thư và đã hiến giác mạc, chia sẻ: "Trước khi mất, tâm nguyện của con gái tôi là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những bệnh nhân đang cần, đang chờ được cấy ghép. Nhờ nguyện ước của con, hai người mù đã tìm thấy ánh sáng, đồng thời tôi cũng đã tìm thấy món quà con để lại chính là được gặp lại con theo một cách đặc biệt nhất. Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi, khiến tôi tin rằng con vẫn đang ở bên mình và cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi đau để chấp nhận cho đi"

HẢI ANH

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...