Cảnh giác ngộ độc thực phẩm “tấn công” sau mưa bão

Bão số 3 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc rơi vào cảnh ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Đây cũng là thời điểm môi trường sống ô nhiễm sau mưa bão, tạo nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

thuc-pham.jpg

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở cung cấp rau, củ, quả tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Hương Tú

Dễ mắc các bệnh truyền nhiễm

Tại những nơi bão số 3 đi qua, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động vật, thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước sinh hoạt. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, sau mưa bão, nhiều nơi còn bị cô lập bởi nước lụt, mất điện, mất nước nên chưa có điều kiện rửa sạch thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất hay xảy ra.

Trước tác động của mưa bão đối với sức khỏe con người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật. Các vùng trồng trọt, chăn nuôi bị ngập lụt dẫn đến rau, củ, quả dập nát, hư hỏng, nhiễm bẩn; động vật gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng. Trong khi đó, một số đối tượng lợi dụng mùa mưa bão có thể trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, hết hạn sử dụng…

Còn theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm mà còn do ăn phải thịt gia súc, gia cầm chết do ngập nước, hoặc bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Mặt khác, người dân ở vùng nông thôn, miền núi đôi khi vẫn còn thói quen sử dụng nấm dại hoặc các loại rau, trái cây, côn trùng phát triển sau mưa, bão để làm thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc do độc tố tự nhiên. Ngộ độc có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể là 1-2 ngày sau khi sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn. Những trường hợp bị ngộ độc nhẹ có thể khỏe sau vài ngày nhưng ở mức độ nghiêm trọng mà không được xử trí kịp thời có thể phải đối diện với nguy cơ tử vong.

“Nếu bị đau bụng sau khi ăn thực phẩm nào đó thì nên thận trọng vì có thể là biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể khiến các sinh vật gây hại tạo ra độc tố làm kích ứng niêm mạc ruột và dạ dày. Đây là lý do gây viêm đau ở dạ dày và bị đau bụng. Ngoài ra, người bị ngộ độc thực phẩm hay gặp tình trạng nôn và buồn nôn. Thực tế cho thấy, nhiều người bị các cơn nôn kéo dài. Cùng với đó, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu cũng là những biểu hiện ngộ độc thực phẩm điển hình và phổ biến. Đặc biệt, nếu bị đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/24 giờ thì khả năng cao là ngộ độc. Tần suất tiêu chảy nhiều dễ làm cơ thể mất nước, thiếu khoáng chất trầm trọng, tụt huyết áp… nên cần được gặp bác sĩ để xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec lưu ý.

Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết

Để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các khu vực bị ngập úng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ngâm trong nước, bị ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Các gia đình cũng cần chú ý thực hiện “Ăn chín, uống sôi”. Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống; rửa tay sạch trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng, chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập. Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ chế biến thức ăn. Khi có một trong các biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khi bão lũ tan, chính quyền địa phương cần chủ động hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng. Cụ thể, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa. Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Ngoài Cloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới được uống.

Mặt khác, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng mưa bão để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn.

 
Lượt xem: 8
Nguồn:hanoimoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...