Bước tiến của ngành y tế Hà Nội trong lĩnh vực ghép tạng

Chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã có hai bệnh viện là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ghi tên vào bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đây là bước tiến lớn đối với ngành y tế Thủ đô, tạo thêm những cơ hội được cứu sống đối với người bệnh.

Cuối tháng 8, hai ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là sự kiện đánh dấu bước phát triển trong kỹ thuật ghép tạng của ngành y tế Hà Nội. Các bác sĩ của Bệnh viện đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng, tiến hành lấy đa tạng từ người cho chết não, đồng thời triển khai ghép thận cho hai ca cùng lúc. Bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để điều phối các tạng khác đến 3 bệnh viện tuyến Trung ương (điều phối gan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; điều phối giác mạc đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; điều phối tim đến Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh).

Ca ghép tạng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: TRẦN ANH

Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, Bệnh viện là đơn vị y tế đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP Hà Nội triển khai kỹ thuật lấy và ghép tạng từ người cho chết não. Để chuẩn bị cho ca lấy tạng từ người cho chết não nói trên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã nhận được sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán chết não và ghép tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, từ ngày 8 đến 13-9, các bác sĩ của Bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận từ người cho sống cùng huyết thống và làm chủ được kỹ thuật ghép thận đã được hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ: “Chúng tôi rất áp lực khi thực hiện 3 ca ghép thận trong vòng hơn một tuần, nhưng do có sự chuẩn bị kỹ từ trước, chúng tôi đã tự tin và quyết tâm làm tốt nhất. Thành công từ các ca ghép thận này trước tiên sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho người bệnh khi được hồi sinh sự sống, sau đó là minh chứng cho thành công của cả tập thể Bệnh viện. Từ khâu chuẩn bị bữa ăn, quần áo, tắm rửa... đến gây mê, hậu phẫu, xét nghiệm, chẩn đoán đều được Bệnh viện lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận-Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) chia sẻ, Khoa Nội thận-Tiết niệu hiện có gần 170 bệnh nhân. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà bệnh nhân mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Dù được lọc máu thường xuyên song sức khỏe của những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. “Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh”, bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ.

Ghép tạng là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ 20, là thành tựu kỳ diệu của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục. Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống, giúp những người bệnh tưởng chừng như không còn hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, tiếp tục thực hiện những ước mơ còn dang dở.

HÀ VŨ

Tags: ghép tạng
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...