Bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM chật hẹp, bệnh nhân chen chúc

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP.HCM) điều trị hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày trong không gian chật chội, bí bách. Kết cấu, hạ tầng tại đây đã xuống cấp sau nhiều năm hoạt động.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (quận 5, TP.HCM) nằm lọt thỏm phía sau ký túc xá trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trên đường Trần Hưng Đạo. Một nửa mặt tiền của bệnh viện bị khuất sau tòa nhà ký túc xá, cổng vào bệnh viện nhỏ hẹp.

Bệnh viện được người Hoa xây dựng vào năm 1968 trong khuôn viên rộng hơn 5.000 m2 với quy mô ban đầu là 100 giường nội trú, đến nay đã mở rộng thành 600 giường để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại đây.

Khu vực chờ khám tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh Hình luôn đông nghịt người vào các buổi sáng trong tuần. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 1.500-2.000 bệnh nhân.

Hành lang tại Khoa Dược rộng chưa đầy một mét nhưng rất nhiều thiết bị cũ được xếp thành đống. Bệnh viện phải tận dụng diện tích của giếng trời, hành lang để tập kết các loại máy móc, đồ đạc.

Bà Gái (quê Khánh Hoà) cho biết mới đưa con gái vào chữa bệnh tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Do quá đông bệnh nhân nên con gái bà phải nằm điều trị trên một chiếc giường bên ngoài hành lang. "Mặc dù cơ sở vật chất cũ kỹ, đây vẫn là bệnh viện tuyến cuối về xương khớp, bác sĩ có chuyên môn tốt nên tôi thấy vậy cũng ổn", bà Gái chia sẻ.

Trải qua hơn 50 năm hoạt động, cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Những vách tường cũ kỹ, bong tróc các mảng lớn, lộ cốt thép bên trong.

Tại tầng trệt, bệnh viện chỉ có một con đường duy nhất để di chuyển qua lại giữa các khu khám bệnh, mổ cấp cứu, chụp X-quang, thu viện phí... Vì vậy, cảnh chen chúc, ngột ngạt luôn xảy ra tại đây.

Bệnh viện đã đầu tư sửa chữa các phòng nội trú, gộp các phòng nhỏ thành phòng lớn để tăng diện tích sử dụng. "Bệnh viện chật chội nhưng luôn cố gắng đảm bảo sạch sẽ, đặc biệt là khu dành cho người bệnh nội trú", đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cho biết.

Thống kê từ bệnh viện cho thấy nếu một bệnh nhân nội hoặc ngoại trú có ít nhất một người theo chăm bệnh, cộng với khoảng 900 nhân viên (chưa kể các sinh viên, bác sĩ học cao học, chuyên khoa) đang làm việc thì đều đặn mỗi ngày nơi đây tiếp khoảng 5.000 người.

Cảnh chật chội khiến thân nhân bệnh nhân vạ vật ở khắp nơi, từ hành lang, ghế đá trong khuôn viên để nuôi bệnh.

Băng ca, ghế bố được xếp đống tại rất các hành lang bên ngoài phòng bệnh.

Dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình mới tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã được Thủ tướng chấp thuận xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng (BT) vào năm 2010. Song, nhân viên y tế làm việc ở nơi này sau 12 năm mong chờ lại mỏi mòn ngóng tin vui vì dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Những cuốn sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.

Lượt xem: 27
Tác giả: Duy Hiệu - Hoài Thanh