Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch cúm B
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, dịch cúm B diễn biến bất thường, phức tạp. Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan rộng, ngành y tế tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có nhiều biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và dự phòng.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, trong hai ngày 24, 25-10, toàn huyện có hơn 700 em học sinh xin nghỉ học với lý do ốm, sốt cao. Trong đó, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhi ở các lứa tuổi đến khám bệnh với biểu hiện sốt cao. Tại các trạm y tế xã trên địa bàn, số lượng trẻ em đến khám với biểu hiện sốt cao tăng lên hằng ngày. Đặc biệt, trong sáng 24-10, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 8 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao 40,5oC, hôn mê sâu. Kíp trực và tổ cấp cứu đã tiến hành cấp cứu, hồi sức nhưng không có kết quả, bệnh nhi tử vong sau đó. Trong ngày 31-10, tại huyện Chợ Đồn, có 15 trẻ đến khám tại Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế các xã, thị trấn có triệu chứng sốt, nghi mắc cúm B, trong đó không có bệnh nhi nào cần nhập viện.
Các y sĩ, bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. |
Ngay sau khi xảy ra các trường hợp mắc cúm B tại huyện Chợ Đồn, đội cấp cứu lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã có mặt kịp thời để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều mẫu xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với bệnh cúm B. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cũng đã trực tiếp đến kiểm tra, giám sát, yêu cầu huyện Chợ Đồn thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra đến từng thôn, xã để xác định tình trạng sức khỏe của người dân; thực hiện phun khử khuẩn tại các lớp học, khu vực có đông trẻ bị bệnh; tập trung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cúm đến nhân dân, nhất là các bậc phụ huynh, các ngành chức năng không được lơ là, chủ quan mà cần tập trung toàn lực để dập dịch, tránh để dịch bệnh tiếp tục lây lan rộng.
Để trực tiếp hướng dẫn địa phương phòng, chống dịch, Bộ Y tế cử đoàn cán bộ gồm nhiều chuyên gia đầu ngành của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp đến huyện Chợ Đồn điều tra dịch tễ, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm B. Sau thăm nắm, đoàn công tác nhận định, với kết quả xét nghiệm các ca bệnh, có thể tạm thời khẳng định đây là ổ dịch cúm B. Trong điều kiện các biện pháp dự phòng cúm B-tiêm vaccine chưa được triển khai rộng rãi như trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì dịch bùng phát không chỉ dừng lại ở đợt này mà vẫn có thể xảy ra các đợt tiếp theo do dịch cúm thường có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 5 ngày. Chính vì vậy, công tác dự phòng trong phòng, chống dịch tại huyện Chợ Đồn và các huyện khác của tỉnh Bắc Kạn cần được tiếp tục tăng cường thực hiện để bảo đảm không có tình huống bất ngờ. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đưa ra những khuyến cáo trong phòng, chống dịch cho chính quyền địa phương cũng như người dân như vệ sinh, khử khuẩn, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc...
Ông Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Tại huyện Chợ Đồn, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Các bệnh nhi có biểu hiện sốt cao phải nhập viện đã giảm dần, hầu hết các bệnh nhi đều có triệu chứng nhẹ, không có trường hợp phải chuyển tuyến hoặc dùng thuốc, thở oxy. Tuy nhiên, dịch cúm B vẫn còn có những diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát có thể xảy ra, nhất là hiện nay, ở một số địa phương khác như huyện Ngân Sơn, TP Bắc Kạn cũng bắt đầu ghi nhận số lượng học sinh phải nghỉ học do ốm, sốt và số bệnh nhi nhập viện có xu hướng tăng. Ngành y tế cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là phụ huynh, giáo viên và học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đề nghị người dân đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nhiều người, khuyến cáo người dân nên đi tiêm vaccine cúm đầy đủ để phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời, khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện mắc bệnh, cần tập trung phân loại người bệnh, cách ly các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ... hội chẩn các ca bệnh, điều trị tích cực, không để diễn biến nặng dẫn đến tử vong”.
Bài và ảnh: LINH HÀ